Banner

Thực hiện vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội để tham gia phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 02/09/2021, 06:25 [GMT+7]
    Giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, bảo vệ thể chế chính trị, góp phần vào thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thể hiện ở một số kết quả sau:
 
    *Giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp 
 
    Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những nguời ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được Ủy ban MTTQ các cấp tuân thủ triệt để, MTTQ Việt Nam các cấp đã lựa chọn, giới thiệu những nguời ứng cử đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, số lượng, không đưa vào danh sách những người ứng cử có dấu hiệu tham những, không trung thực trong kê khai tài sản hoặc vi phạm pháp luật về bầu cử. Những nguời ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sau khi MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử mà có số phiếu tín nhiệm thấp đều không được MTTQ Việt Nam các cấp hiệp thương đưa vào danh sách chính thức người ứng cử (loại khỏi danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp). Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 15 Đoàn giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số tổ chức thành viên cũng chủ động tiến hành tổ chức các cuộc giám sát về công tác bầu cử góp phần đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, đảm bảo cơ cấu, thành phần, lựa chọn được những ứng cử viên và “giàu tâm, xứng tầm" đại diện cho nhân dân. 
 
Phiên họp cho ý kiến về dự thảo các kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội
Phiên họp cho ý kiến về dự thảo các kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội
    * Giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn quan tâm góp phần đảm bảo thông tin cho Nhân dân thông qua tham gia xây dựng thể chế, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhân dân. Bên cạnh việc bảo đảm quyền được cung cấp thông tin cho nhân dân còn giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên, những người có quyền lực trong các cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 37-2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 nay là Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 17/07/2013. 
 
    Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tiến hành giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại một số bộ, ngành (Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế) và một số tỉnh (Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắc Lắk). Qua giám sát, các đoàn giám sát đã chỉ ra được ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc công khai kết luận thanh tra của các cơ quan hữu quan và các địa phương là cơ sở để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có giải pháp thực hiện tốt việc công khai các kết luận thanh tra theo quy định. 
Thực hiện các nội dung Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam; trong đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã thực hiện thí điểm giám sát việc “công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN tại một số dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh cũng chủ động phối hợp với Ban Nội chính cùng cấp triển khai các nội dung về công tác PCTN, xác định những nhiệm vụ cụ thể về công tác PCTN trong năm. 
 
    * Tổ chức thực hiện các chương trình giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực còn gây nhiều bức xúc với nhân dân
 
    Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức thành viên và các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều hoạt động giám sát trong nhiều lĩnh vực mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, đã và đang gây nhiều bức xúc cho Nhân dân và cũng là những lĩnh vực có thể xảy ra tham những như: Giám sát và nâng cao hiệu qủa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc công khai kết luận thanh tra; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân 04 tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thủy hải sản chết hàng loạt; phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020; phối hợp giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiểm sát việc thi hành án dân sự và thi hành án hình sự; thực hiện một số vụ việc giám sát về trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, huyện trong PCTN; việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ... đã và đang nhận được sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
 
    * Việc triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp
 
    Các tổ chức chính trị - xã hội chủ động thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể. 
 
    Qua tổng hợp báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cho thấy, các cuộc giám sát năm sau nhiều hơn năm trước. Từ năm 2014 đến đầu năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp thực hiện và giám sát tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; thực hiện đưa người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh... 
 
    Đối với công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
    Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm và đầu tư hơn nữa về mọi mặt cho hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, nhà nước. Hiện nay, hoạt động này mới bước đầu được quan tâm, còn được thực hiện chưa nhiều, chưa thường xuyên và nhất là hiệu quả còn thấp do nhiều nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan. 
 
    Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát trong PCTN của MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần đặc biệt chú trọng sử dụng hình thức giám sát văn bản (nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền) và giám sát thường xuyên đối với công tác tổ chức cán bộ và giám sát đối với cán bộ, đảng viên. Việc giám sát văn bản (nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền) của MTTQ các cấp nếu được quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần rất có hiệu quả trong việc phát hiện, kiến nghị các cơ quan ban hành văn bản xử lý và khắc phục những hạn chế của văn bản chính sách, pháp luật, đề án, chương trình đang được thực hiện, nhất là đối với những “khoảng trống", "kẽ hở", những yếu tố “lợi ích nhóm" trong các chính sách, quy định có thể bị lợi dụng để tham nhũng. 
 
    Việc giám sát thường xuyên đối với công tác tổ chức cán bộ và giám sát đối với cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần PCTN trong một lĩnh vực vốn được đánh giá là dễ và xảy ra nhiều tham nhũng nhất nhưng lại cũng là khó phòng, chống nhất. Trong lĩnh vực giám sát này, MTTQ Việt Nam cần chú trọng phát huy vai trò của tổ chức công đoàn giám sát đối với việc thực hiện công tác cán bộ và cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và vai trò của MTTQ cấp xã, của các Ban công tác Mặt trận, Ban TTND và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để giám sát đối với cán bộ, đảng viên sinh sống hoặc làm việc tại địa bàn địa phương. Các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở cần được trang bị tốt kiến thức về chính sách, pháp luật về PCTN, về công tác cán bộ (chính sách, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật) và nhất là về kỹ năng, quy trình thực hiện công tác giám sát để bảo đảm thực hiện giám sát đúng quy định, không xảy ra sai sót và có hiệu quả thiết thực. 
 
    Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thường xuyên quan tâm giám sát công tác cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan nhà nước, chú trọng tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thực hiện hai chương trình giám sát chuyên đề mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã và đang chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện là Chương trình giám sát việc đo lường và đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hàng năm và Chương trình giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan. 
                                                                                        Nguyễn Mai Loan
.
.