Độc lập rồi, dân phải được tự do, hạnh phúc

Thứ Tư, 01/09/2021, 23:54 [GMT+7]
    Cách mạng tháng Tám thành công đưa dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp. Những đêm dài lầm than, tủi nhục đã khép lại, mở ra con đường mới rạng ngời ánh hào quang, nhưng đây mới là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nếu nước nhà độc lập rồi mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
    
    Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm
 
    Trong niềm vui, tự hào khôn xiết, vừa tuyên bố với toàn thế giới, Việt Nam đã trở thành một nước tự do độc lập, thì ngay hôm sau, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là chống giặc đói. Thật đau xót, năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta chết đói vì chính sách hà khắc của chế độ thực dân. Không thể để nạn đói lặp lại, không thể để thêm người dân nào chết đói, Người đề nghị Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và trong khi chờ ba, bốn tháng mới có ngô, khoai để ăn thì phải mở ngay một cuộc lạc quyên, lấy gạo phát cho người nghèo. Cùng với chống giặc đói là xóa nạn mù chữ; Tổng tuyển cử; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; xóa bỏ một số thuế; thực hiện tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết,… Công việc nào cũng cần kiếp và Chính phủ phải làm thật tốt để bảo đảm cuộc sống mới hạnh phúc, tự do cho đồng bào.
 
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
    Độc lập rồi mà đất nước chưa trọn niềm vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu với những việc làm cấp bách mới đề ra. Ngày 28/9/1945, Người lại viết bài Sẻ cơm nhường áo, tiếp tục kêu gọi đồng bào và chính Người xin làm trước, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa, mỗi bữa một bơ để lấy gạo đó cứu dân nghèo. Ngày 4/10/1945, viết bài Chống nạn thất học, Người cho rằng 95% người Việt ta mù chữ, như thế thì tiến bộ làm sao được và nêu rõ: “Muốn giữ nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, HN 1995, trang 36),vv.
 
    Những việc Chủ tịch Hồ Chí Minh làm là nhằm hiện thực hóa “sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” mà Người hằng nung nấu suốt hành trình tìm đường cứu nước. Và đó cũng là mục tiêu Đảng ta bền bỉ phấn đấu từ khi nước nhà giành được độc lập với tâm nguyện “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (SĐD, trang 56,57). Đó là cội nguồn làm nên sức mạnh lòng dân, triệu người như một, đánh thắng hai tên thực dân, đế quốc sừng sỏ, có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh hơn ta hàng chục lần; rồi phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết nước nhà.
 
    Việt Nam, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã kiên cường đứng vững qua hàng trăm năm bị đô hộ, đã kinh qua hai cuộc chiến tranh ác liệt đầy hy sinh, gian khổ với biết bao mồ hôi xương máu và ai cũng thấm thía nỗi đau không gì sánh nổi khi một người phải ngã xuống. Nhờ công cuộc đổi mới, đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là công sức của toàn dân dưới sự lãnh đạo, dìu dắt sáng suốt và tài tình của Đảng và nhân dân là người được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm no do chính mình tạo dựng nên. 
 
    Chính phủ là công bộc của dân
 
    Cách mạng tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân, song như Lê-nin tổng kết, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn. Để xây dựng chính quyền các cấp thật sự là công bộc của dân, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên Báo Cứu quốc: Cách tổ chức các ủy ban nhân dân (11/9/1945); Chính phủ là công bộc của dân (ngày19/9/1945); Sao cho được lòng dân ? (ngày 12/10/1945),…  Theo Người, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Song những ngày mới giành chính quyền, cán bộ nhiều nơi còn thiếu, làm việc thiếu tổ chức, tới đâu hay đó. Trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, đăng Báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Người phê phán mạnh mẽ cán bộ phạm những lầm lỗi như “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi kinh dư luận, không nghĩ đến dân,… ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức,… kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ,… Tưởng mình trong Chính phủ là thần thánh rồi,… không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ” (SĐD, trang 57, 58). Là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, gánh vác mọi việc chung cho dân. 
 
    Thành công của Cách mạng tháng Tám cho chúng ta nhiều bài học quý về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để làm nên lịch sử và thực tiễn 76 năm qua, chúng ta càng thấm thía bài học lấy dân làm gốc. Phát huy giá trị của những bài học ấy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta đều lấy nhân dân làm trung tâm, làm động lực, làm đối tượng phục vụ. Bất cứ việc gì cũng hướng đến mục tiêu vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân. 76 năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng là nhằm ngày càng hoàn thiện hơn thể chế, cơ chế quản lý, điều hành để Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến làng, xã đều là công bộc của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn và chỉ ra từ những ngày đầu nhà nước ta ra đời. 
 
    Tuy nhiên, những điều Người cảnh báo như, tình trạng cán bộ tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu, hách dịch nhân dân đâu đó vẫn còn. Bộ máy nhà nước nhiều nơi cồng kềnh, lắm “con ông cháu cha”, công việc thì trì trệ. Hơn lúc nào hết, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ;  tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Những chủ trương Đại hội đề ra đang từng bước được hiện thực hóa. Ngay sau Đại hội, nhiều chức danh chủ chốt cấp cao của Nhà nước, HĐND các cấp được kiện toàn mà không đợi hết nhiềm kỳ, không để xảy ra “khoảng trống quyền lực”, bảo đảm các tổ chức bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả. Đây là điểm mới trong hai nhiệm kỳ Đại hội của Đảng gần đây, bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất.
 
    So với 76 năm trước, cuộc sống hiện nay khác xa một trời một vực. Nhân dân ta không chỉ có cơm ăn, áo mặc mà là ăn ngon, mặc đẹp; từ đô thị đến làng quê, đâu đâu cũng khang trang với cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Nhưng có bao giờ lường hết được khó khăn. Giữa những ngày vui lịch sử này, cả nước lại phải chống chọi với đại dịch covid-19 vô cùng nguy hiểm, có ngày gần chục nghìn người nhiễm bệnh. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết”, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước vai kề vai, gồng mình phòng, chống dịch. Giữa muôn vàn gian nan càng thấy rõ tấm lòng của Đảng, Chính phủ, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. “Không để ai bị bỏ lại phía sau”,  Chính phủ đã quyết định dành gần 88 nghìn tỷ đồng hỗ trợ những trường hợp khó khăn do đại dịch gây ra; dùng ngân sách nhà nước mua vaccine tiêm phòng cho toàn dân,... Nhiều địa phương tổ chức đón người dân từ vùng dịch trở về chu đáo, ấm tình quê hương; nhiều chính sách như giảm tiền điện, nước, các loại dịch vụ được thực hiện nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân,..
 
    Cuộc sống phía trước luôn mở ra nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nhưng con đường dẫn tới đó không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thời cơ càng nhiều thì thách thức càng lớn. Khi Đảng, Chính phủ và người dân đồng lòng thì không có khó khăn nào không thể vượt qua. Đó là thực tiễn sinh động hơn 91 năm ngày có Đảng, 76 năm Nhà nước ta ra đời ./.
Bắc Văn
.