Ninh Bình: Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022
Thứ Bảy, 18/06/2022, 06:59 [GMT+7]
UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành ở tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Theo báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Ninh Bình đạt 60,53 điểm, giảm 1,45 điểm so với năm 2020, xếp thứ 58/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước, bằng thứ bậc của năm 2020 và đứng thứ 11/11 các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng.
Quang cảnh Hội nghị |
Mặc dù số điểm giảm nhưng năm 2021 Ninh Bình vẫn có 1/10 chỉ số thành phần tiếp tục duy trì và tăng nhẹ về thứ bậc xếp hạng là: Đào tạo lao động, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020; 01/10 chỉ số thành phần trước đây được đánh giá khá, đến năm 2021 tiếp tục duy trì và tăng nhẹ về thứ bậc xếp hạng như: Chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020; 2/10 chỉ số thành phần năm 2020 được đánh giá ở mức khá.
Năm 2021 tăng mạnh về thứ bậc xếp hạng là chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2020; chỉ số Chi phí không chính thức, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020; Trong 74 chỉ tiêu cơ sở được giữ lại của năm 2020 đa số đều có sự cải thiện mạnh mẽ về thứ bậc xếp hạng, cụ thể: 27/74 chỉ tiêu nằm trong nhóm xếp hạng tốt và rất tốt; 19/74 chỉ tiêu nằm trong nhóm xếp hạng khá.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện; phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để nâng cao điểm số và thứ bậc xếp hạng chỉ số PCI năm 2022 và những năm tiếp theo. Các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính trong đó cần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; phân công các sở, ngành, đơn vị phụ trách các chỉ tiêu cơ sở cần bám theo chức năng nhiệm vụ; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, việc khảo sát, đánh giá phải đúng người, đúng việc đảm bảo chính xác, khách quan, thực chất.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương trong thời gian qua để có một số chỉ số thành phần tăng điểm, tăng về thứ hạng. Đặc biệt, bên cạnh CPI, một số chỉ số quan trọng như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh năm 2021 nằm trong top cao của cả nước đã cho thấy sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công của tỉnh đã được tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp tại Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98-NQ/BCSĐ ngày 24/5/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo; thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tạo sự công khai minh bạch; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đưa tối đa các thủ tục ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, tăng cường hơn nữa công tác công khai, minh bạch hóa các thông tin nhất là về quy hoạch đất đai; kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động tại Bộ phận một cửa các cấp…
Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị được giao phụ trách các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở phải xây dựng báo cáo đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, trong đó cần chủ động tham mưu các chính sách, các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở thấp; nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp các cấp và Hội Doanh nhân trẻ trong việc truyền tải những việc làm, nỗ lực của chính quyền đến với doanh nghiệp và người dân góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)