Chủ tịch EC: Ukraine cần tăng cường luật chống tham nhũng

Thứ Sáu, 17/06/2022, 06:43 [GMT+7]
    Tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv cuối tuần qua, bà Ursula von der Leyen cho biết, vẫn còn nhiều việc phải làm. Ukraine hiện có chiến tranh và đang tập trung mọi nỗ lực để vượt qua cuộc chiến này. Với sự giúp đỡ trong việc tái thiết, Ủy ban muốn thấy được sự tiến triển trong tương lai.
 
    Đặc biệt, Chủ tịch EC cho biết, Ukraine đã làm được rất nhiều trong việc củng cố nhà nước pháp quyền nhưng vẫn cần phải thực hiện các cải cách; cần tăng cường hơn nữa pháp luật liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng. Chính quyền cần hành động tốt hơn nữa nhằm tạo điều kiện cần thiết cho chống tham nhũng, đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng đắn.
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine tại Kyiv vào ngày 11/6/2022
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine tại Kyiv vào ngày 11/6/2022
    Bà Von der Leyen chỉ ra sự cần thiết phải tạo ra một hướng đi chung với sự trợ giúp của nền tảng tái thiết Ukraine, để có một lộ trình rõ ràng về cách đồng bộ hóa công việc tổng thể về tái thiết nhằm giúp đất nước vươn lên.
 
    Quan chức EC cho biết, đây phải là một quá trình hoàn toàn do Ukraine lãnh đạo. EC có nhiều kinh nghiệm về cách quản lý các tình huống như vậy và quản lý những khoản đầu tư được thực hiện trong các cuộc cải cách.
 
    Cũng theo bà Ursula von der Leyen, Liên minh châu Âu (EU) muốn định hướng đầu tư và đảm bảo thực hiện cải cách, để cải thiện cuộc sống của người dân Ukraine, nhằm đổi mới Ukraine, tạo sức hấp dẫn cho đầu tư. Bởi vậy, Ukraine cần tạo ra các điều kiện hấp dẫn để kinh doanh và có thể tiến tới EU với điều này.
 
    Chủ tịch EU Ursula von der Leyen vừa có chuyến thăm Ukraine bất ngờ hôm 11/6. Bà von der Leyen nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng, EU sẽ ra quyết định về đề nghị gia nhập liên minh của Ukraine vào cuối tuần này.
 
    Động thái này mới chỉ là bước sơ bộ trong một quá trình dài. Tất cả 27 chính phủ EU sẽ phải đồng ý cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine, sau đó sẽ có các cuộc đàm phán sâu rộng về những cải cách cần thiết trước khi Kiev có thể được xem xét trở thành thành viên.
 
    Trước đó, ngày 10/6, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola cho biết, cơ quan lập pháp của khối ủng hộ nỗ lực của Ukraine gia nhập EU. Nhưng rạn nứt đã xuất hiện giữa các quốc gia Trung Âu và các quốc gia Baltic - những nước ủng hộ hành động nhanh chóng để Ukraine ứng cử và các nước Tây Âu miễn cưỡng hơn. Một số nhà ngoại giao EU cho rằng, có thể phải mất hàng chục năm nữa để Ukraine trở thành thành viên EU.
                                                                                                Đức Anh
                                                                                          (Báo Thanh tra)
.