Xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Thứ Ba, 03/09/2019, 14:16 [GMT+7]
    Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến dịp Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lại bừng lên những tình cảm thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc sâu sắc. 74 năm qua, Ngày 2-9 luôn là dịp để Nhân dân Việt Nam một lòng hướng về đất nước, tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc và bày tỏ tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9 năm nay càng trở nên có ý nghĩa khi cả nước đang có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
    Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc về xây dựng nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, tiếp đến là các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu trong tư tưởng và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong Di chúc của mình 50 năm trước, Người đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Nhân dân luôn trong trái tim của Người, tất cả vì nhân dân, dành cho nhân dân. Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
 
Xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về củng cố và tăng cường xây dựng bộ máy nhà nước. Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Nghị quyết khẳng định không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thực tế của hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua đã chứng minh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Quốc hội đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động giám sát của Quốc hội tập trung vào giải quyết những vấn đề bức thiết, quan trọng của đất nước, được Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; việc thảo luận, quyết định những vấn đề lớn có chất lượng hơn và thực chất hơn. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý, điều hành vĩ mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ ngày càng quan tâm sâu sắc hơn, kịp thời hơn những vấn đề, những khó khăn của Nhân dân nảy sinh trong cuộc sống và quá trình lao động, sản xuất. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai nghiêm túc trong thực tế đã có tác dụng tạo ra những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước.
 
    Chính vì vậy, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách tăng khá; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định. Đời sống Nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
 
    Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục giải quyết; đó là, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất; tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập; việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân còn những hạn chế; việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít cấp ủy còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu…
 
    Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bộ máy nhà nước, cần đặt người dân vào vị trí trung tâm trong mọi hoạt động và lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm nền tảng hoạt động; tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hình thức, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm hướng tới một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại; mở rộng đối thoại giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, tăng cường trách nhiệm giải trình và lắng nghe Nhân dân; để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn, từ đó những chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao…
 
    Kỷ niệm Ngày Quốc khánh năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, cả nước cần đoàn kết một lòng với khí thế và quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chú trọng nâng cao đời sống của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với khí thế tưng bừng của Ngày Độc lập, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đề ra, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo đúng di nguyện mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
                                                                                (Theo Báo Nhân Dân)
.