Banner

Tân Tổng thống Cộng hòa Síp cam kết chống tham nhũng

Chủ Nhật, 05/03/2023, 07:20 [GMT+7]
    Hôm nay (1/3), Tổng thống thứ tám của Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides chính thức đảm nhận vị trí. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội hôm 28/2, ông Christodoulides cam kết cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp và chống tham nhũng.
 
 Chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, cựu Ngoại trưởng Nikos Christodoulides (49 tuổi) đã giành được 51,97% phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 12/2, đánh bại đồng nghiệp trong ngành ngoại giao Andreas Mavroyiannis (66 tuổi), người có 48,03% số phiếu.
 
Tân Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides. Ảnh: Financial Mirror
Tân Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides. Ảnh: Financial Mirror
    Đây là lần đầu tiên một tổng thống Síp được bầu mà không có sự ủng hộ của 2 đảng lớn nhất là DISY và AKEL.
 
    Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Christodoulides nói: “Người dân Síp sẽ là trung tâm của mọi chính sách của chúng tôi.
Tôi đã hình dung ra đất nước mà tôi muốn định hình và tôi nhận thức được công việc đang chờ đợi mình cho một di sản thành công”.
 
    Tân Tổng thống nhấn mạnh: Cuộc chiến chống tham nhũng và sự thiên vị sẽ là trọng tâm trong chính quyền của tôi.
 
    Ông cam kết sẽ mang đến một xã hội bình đẳng cho tất cả mọi người.
 
    “Mục tiêu là trường học tốt hơn, thành phố xanh hơn, dịch vụ y tế chất lượng hơn”, ông Christodoulides nói.
 
Bê bối
Bê bối "hộ chiếu vàng" là trường hợp trục lợi kinh điển ở Síp nổi lên trong những năm gần đây. Ảnh: Cyprus Mail
    Một vấn đề quan trọng khác mà Tổng thống Christodoulides cam kết giải quyết là vấn đề di cư, với 6% trong số 915.000 người sống trên đảo là những người xin tị nạn.
 
    Ông cho biết di cư bất hợp pháp là “một trong những thách thức cấp bách nhất, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của người Síp... Nỗ lực của chúng tôi sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình xử lý đơn xin tị nạn để gia tăng sự trở về”.
 
    Tổng thống Christodoulides cam kết gắn bó với những cải cách do Chính phủ trước mở đường.
 
    Ông cho biết, cải cách hệ thống pháp luật là một "thách thức lớn" chẳng hạn như rút ngắn các quy trình tư pháp vốn nổi tiếng là kéo dài và thực thi công lý.
 
    “Thời gian xét xử các vụ án kéo dài và khoảng thời gian cần thiết để đưa ra công lý, ngoài chi phí không tương xứng cho nhà nước, còn hình thành sự phủ nhận công lý”.
 
    Chấm dứt các quyết định kéo dài hàng thập kỷ của Síp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Christodoulides khi ông lên nắm quyền vào ngày 1/3.
 
    Bên cạnh đó, Tổng thống Christodoulides cho biết, Cộng hòa Síp sẽ tăng cường chương trình năng lượng.
 
    Theo đánh giá từ giới quan sát, Chính phủ mới của ông Christodoulides sẽ phải đối mặt với sức ép đòi hỏi loại trừ tận gốc vấn nạn tham nhũng và giải quyết tình trạng bế tắc trong tiến trình đàm phán tái thống nhất với cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, giá năng lượng tăng cao, tranh chấp lao động, cũng như phục hồi nền kinh tế Cộng hòa Síp.
 
    Vấn nạn tham nhũng ở Cộng hòa Síp được đánh giá là có chiều hướng gia tăng trong 10 năm trở lại đây, làm cản trở tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
 
Cộng hòa Síp có sự suy giảm mạnh điểm CPI trong thập kỷ qua. Nguồn: TI
Cộng hòa Síp có sự suy giảm mạnh điểm CPI trong thập kỷ qua. Nguồn: TI
    Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho thấy, so với 26 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác và 180 quốc gia trên thế giới nói chung, Síp có sự suy giảm mạnh điểm CPI trong thập kỷ qua.
 
    Síp được xếp hạng 51 vào năm 2022, với 52 điểm CPI, giảm tới 12 điểm so với năm 2012.
 
    Tương tự, theo các chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB), “việc kiểm soát tham nhũng” ở Síp đã dần xấu đi kể từ năm 2012.
 
    Và, để giải quyết tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng ở Síp, cơ quan chống tham nhũng chính thức đã được thành lập vào cuối năm 2022, với nhiệm vụ điều tra các khiếu tố liên quan đến hối lộ, tham nhũng.
 
    Tuy nhiên, theo TI, Síp là một trong nhiều quốc gia EU không thể điều tra và truy tố hiệu quả các vụ án tham nhũng. Hệ thống tư pháp phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài trong các vụ án tham nhũng. Và, việc vận hành đầy đủ cơ quan chống tham nhũng mới được thành lập vẫn còn là một thách thức, TI nhận định.
Theo Báo Thanh tra
.
.