Banner

Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp công tác

Thứ Tư, 08/12/2021, 21:05 [GMT+7]
    Chiều 08/12/2021, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp số 03-QCPH/BNCTW-BCSĐTTCP ngày 12/3/2015 trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
 
    Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Trần Ngọc Liêm, Ủy viên Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
 
    Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trợ lý Trưởng Ban; đại diện lãnh đạo các vụ thuộc Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Vụ Địa phương 2, Ban Nội chính Trung ương cùng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực 3 thuộc Thanh tra Chính phủ dự qua điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, ngày 12/3/2015, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 03-QCPH/BNCTW-BCSĐTTCP trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. 
 
    Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, cùng với việc thực hiện Quy chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, hai cơ quan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được cả hệ thống chính trị và dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao; tạo nhiều dấu ấn rõ nét mà điểm nổi bật là công tác xây dựng thể chế để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa: “để không thể không dám”, “không muốn”, “không cần tham nhũng”… 
 
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu khai mạc
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu khai mạc Hội nghị
    Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp công tác nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác phối hợp 5 năm qua của  hai cơ quan, nhất là kết quả tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.
 
    Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ trong hơn 5 năm qua đã cơ bản được triển khai nghiêm túc, theo đúng các nội dung trong Quy chế; hình thức, phương pháp phối hợp đa dạng, thể hiện tinh thần hợp tác, hỗ trợ, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; việc thực hiện Quy chế có nhiều thuận lợi, khi hai cơ quan là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
    Kết quả thực hiện Quy chế thể hiện ở nhiều mặt, nhiều nội dung công tác mà hai cơ quan đã đạt được trong thời gian qua, trong đó tập trung ở các nội dung chính. Theo đó, hai cơ quan chủ động phối hợp tham mưu sơ kết, tổng kết, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhất là, phối hợp tham mưu xây dựng Luật Tố cáo sửa đổi, Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quy định 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị 27 về công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổng kết Chiến lược quốc gia về PCTN và kế hoạch thực hiện Công ước Liêp hiệp quốc về chống tham nhũng…; phối hợp tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, gắn thanh tra với kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; quan tâm phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, phục vụ các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo và hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo; phối hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo và của Thanh tra Chính phủ; phối hợp, chỉ đạo rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương; theo dõi, đôn đốc việc điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo kiến nghị của Thanh tra; tăng cường phối hợp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài gây mất an ninh, trật tự; công tác trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về công tác nội chính, PCTN được quan tâm, đạt nhiều kết quả… Đáng chú ý, mô hình phối hợp công tác giữa hai cơ quan ở cấp Trung ương đã được triển khai, nhân rộng ở cấp địa phương. Đến nay, có 58/63 Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương ký quy chế phối hợp công tác với Thanh tra tỉnh, thành phố cùng cấp.
 
    Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn, tập trung phân tích những ưu điểm, kết qủa đạt được; nêu nên những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy chế, đồng thời đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hai cơ quan, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2025 đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng cho công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, thanh tra là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nội dung, yêu cầu phối hợp của hai cơ quan rất lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, đồng chí đề nghị: (1) Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là, phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực về cơ chế, chính sách, pháp luật để “không thể tham nhũng”; khuyến khích, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; tham mưu hoàn thiện thể chế về kiểm soát tài sản, thu nhập đảm bảo thực chất, hiệu quả; (2) Phối hợp tham mưu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm; thực hiện hiệu quả cơ chế chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Thường trực Ban Chỉ đạo, đó là: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra và kiến nghị xem xét khởi tố, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh, kiểm toán, thi hành án; tham mưu xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tiêu cực theo Quy định 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo; (3) Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo và Thanh tra Chính phủ; nhất là, tăng cường phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý sau thanh tra; theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do thanh tra chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; (4) Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp, trao dổi thông tin giữa hai cơ quan về tham nhũng, tiêu cực. Nhất là, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ, việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu tội phạm (cả trong quá trình thanh tra) để tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, nhất là trao đổi thông tin từ khi phát hiện đối với những vụ việc chuyển cơ quan điều tra những vụ việc liên quan đến cán bộ diện Trung ương quản lý theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; (5) Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là phối hợp kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”; phối hợp kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (6) Phối hợp trao đổi nghiệp vụ, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, cán bộ, công chức liêm chính; về hợp tác quốc tế về PCTN. Kịp thời trao đổi thông tin về nhũng biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên của hai cơ quan để uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời; nâng cao hơn nữa tính chủ động và hiệu quả phối hợp giữa cấp vụ, cấp chuyên viên; chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với Thanh tra tỉnh, thành phố, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở…
 
    Đồng chí nhấn mạnh, yêu cầu, nhiệm vụ đối với hai cơ quan trong thời gian tới là rất lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nên cán bộ, công chức của hai cơ quan đoàn kết, phấn đấu, phối hợp ngày càng chặt chẽ nhịp nhàng, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Người làm nội chính và cơ quan nội chính phải đặc biệt chú trọng đức thanh liêm, thanh khiết, phải “dĩ công vi thượng", “tinh thần đoàn kết”, “trọng dân", “trọng pháp ”, “quang minh chính đại ”, “ vì nêu cao công lý và nhân nghĩa mà phải thẳng tay trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai và phải thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn” thép vững chắc, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính vừa qua.
 
    Cũng tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” và Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho 03 tập thể, 04 cá nhân thuộc Thanh tra Chính phủ đã có thành tích xuất sắc trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” và Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ cho tập thể, cá nhân thuộc Ban Nội chính Trung ương đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đối với sự phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
Đặng Phước - Anh Hưng
.
.