Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Sáu, 26/11/2021, 10:54 [GMT+7]
    Chiều 25/11/2021, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác với Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Đoàn Thái Sơn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì Hội nghị.
 
    Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương và Ngân hàng Nhà nước.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đã giúp cho mỗi cơ quan có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là: (1) Đã phối hợp tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung, lĩnh vực tín dụng và hoạt động ngân hàng nói riêng được kịp thời, phù hợp với thực tiễn; (2) Công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng được tăng cường, mang lại hiệu quả rõ rệt; nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, có tác dụng phòng ngừa cao, góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; (3) Thông qua việc cảnh báo rủi ro, phối hợp triển khai tích cực các giải pháp phòng ngừa, khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước ngày càng đi vào ổn định, an toàn và có bước phát triển mới; (4) Thực tiễn cho thấy việc ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan là cần thiết; các nội dung phối hợp thiết thực, về cơ bản đã được triển khai thực hiện; phương pháp phối hợp được quy định trong Quy chế phối hợp cơ bản phù hợp; đồng thời, thông qua thực hiện Quy chế phối hợp đã góp phần nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ, đơn vị, cán bộ, công chức của mỗi bên, cũng như mối quan hệ giữa hai cơ quan ngày càng gần gũi, gắn bó.
 
    Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số nội dung trong Quy chế phối hợp thực hiện chưa chủ động, chưa kịp thời, chưa thực sự tốt; một số nội dung chưa được cụ thể hóa nên chưa có cơ sở thực hiện; một số nhu cầu cần phối hợp đặt ra trong thực tế, nhưng do chưa được quy định trong Quy chế nên chưa có cơ sở để thực hiện việc phối hợp, đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như mong muốn của hai cơ quan…
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị tập trung làm rõ hơn những kết quả đạt được, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc để tạo sự chuyển biến hơn nữa trong công tác phối hợp; trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Phối hợp tham mưu Đảng và Nhà nước cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thành các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước để phòng ngừa hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục những bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng và hoạt động ngân hàng; phối hợp tham mưu, đề xuất về chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục thực hiện tốt việc hướng dẫn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng; tiếp tục làm tốt việc trao đổi thông tin để góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế; ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia có vai trò cực kỳ to lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thời gian tới hai cơ quan cần thực hiện một số nội dung phối hợp, đó là: (1) Tăng cường phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về hoạt động của các tổ chức tín dụng; quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích thành sai phạm lớn; (2) Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục nhũng sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng (rửa tiền, thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay, cho thuê, thanh toán…); (3) Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; (4) Nâng cao hơn nữa tính chủ động và hiệu quả phối hợp giữa cấp vụ, cấp chuyên viên; chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường hiệu quả phối hợp giũa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phóng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; (5) Nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không cứng nhắc, không vi phạm nguyên tắc… 
 
    Cũng tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” và Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho lãnh đạo, cá nhân, tập thể thuộc Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Nội chính Đảng.
 
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng trao, tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam” và Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho lãnh đạo, cá nhân, tập thể thuộc Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động của Ngân hàng Việt Nam.
Đặng Phước
.