Hội thảo cấp quốc gia "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Thứ Bảy, 11/12/2021, 15:06 [GMT+7]
    Ngày 11/12/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn và đại diện một số vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương. 
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là một Đề án quan trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới; chủ đề của cuộc Hội thảo là nội dung “cốt lõi” và cũng là vấn đề còn có “khoảng trống” cần được nghiên cứu, trao đổi nhất của toàn bộ Đề án. Thủ tướng cho biết, những giá trị cốt lõi và đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền đã được C.Mác, Ph.Ăng-ghen kế thừa và phát triển sâu sắc theo quan điểm khoa học và cách mạng, nhất là xây dựng một nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp thể hiện chủ quyền của nhân dân, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, triệt để giải phóng con người, bảo vệ quyền con người… Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhờ đó đến nay, hệ thống pháp luật của chúng ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Có thể thấy, ở nước ta những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước.
 
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
    Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận, cơ bản thống nhất một số nội dung, như: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới; tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền đó là: Tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của Nhà nước, theo đó, Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước; tư tưởng đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người; để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của một Nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có Hiến pháp và sự thượng tôn Hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời; phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực Nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp… đồng thời, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề xuất những giải pháp mới, có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào Đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…
 
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu khai mạc
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu khai mạc
    Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ của nó phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết; nội dung của Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, giúp nhận diện rõ hơn về cấu trúc, các thành tố và mối quan hệ giữa chúng của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó là, sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực Nhà nước; Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên; nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương; thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Đồng chí đề nghị, thành viên Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, giải pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đưa ra để có cách thức, biện pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong lý luận nhận thức cũng như trong quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đưa thành các nhiệm vụ trong Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu
Đặng Phước - Anh Hưng
.