Những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phòng, chống tham nhũng và suy nghĩ bước đầu về giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiện nay
Trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
1. Một số giải pháp đạt kết quả rõ nét:
Thứ nhất, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa (trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã khởi tố, điều tra 1.202vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo về tội tham nhũng). Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phát hiện, xử lý tham nhũng đang từng bước được khắc phục. Thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực (giai đoạn trước năm 2013 đạt dưới 10%; giai đoạn 2013-2020 đạt tỷ lệ 32,04%, nếu tính cả tài sản tạm giữ, kê biên, phong tỏa và thu hồi, đạt 57,39%).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam |
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN (trong nhiệm kỳ Đại hội XII, có 87.210 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có 49.400 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; 3.260 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Thứ ba, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, cơ bản đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” (đã ban hành hơn 140 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế… để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các mặt công tác xây dựng Đảng và PCTN; sửa đổi, bổ sung hơn 100 luật, pháp lệnh về quản lý kinh tế xã hội và PCTN).
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí ngày càng được phát huy (theo thống kê của gần 40 tờ báo, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 36.966 tin, bài về PCTN), vừa tăng cường thông tin, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác kết quả PCTN, vừa tích cực đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN.
Thứ năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, vừa tập trung chỉ đạo, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN trên phạm vi cả nước, vừa chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo mới, quyết liệt, triệt để, giải quyết được nhiều điểm nghẽn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN (từ khi tổ chức lại (năm 2013) đến tháng 6/2021, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 152 vụ án, 111 vụ việc, trong đó đã kết thúc theo dõi, chỉ đạo 99 vụ án, 76 vụ việc). Điển hình như: Các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và đồng phạm; các vụ án liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (“Út trọc”) và đồng phạm; các vụ án xảy ra tại PVC và PVN; vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG; vụ án xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn...).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhìn nhận một thực tế là, trong thời gian qua, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong chừng mực nào đó chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở; tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Một số giải pháp PCTN hiệu quả còn thấp, cần tiếp tục cải thiện như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn còn hạn chế; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN chưa cao; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả (như kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…).
2. Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần này đã thể hiện tổng thể, có hệ thống, toàn diện nhưng rất khái quát về mục tiêu, quan điểm và những giải pháp chủ yếu PCTN trong giai đoạn hiện nay, trong đó có một số điểm mới, cụ thể:
Một là, xác định rõ cuộc đấu tranh PCTN đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, “trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu” cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị; là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể khẳng định, tham nhũng là căn bệnh trầm kha của mọi thời đại, xảy ra ở tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế giàu hay nghèo. Tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực, nhiều người coi tham nhũng là “bóng tối vươn theo quyền lực”, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Chừng nào các hình thức quyền lực chính trị còn bị tha hoá, quyền lực nhà nước còn bị lợi dụng, quyền lực không được kiểm soát thì nguy cơ xảy ra tham nhũng là hiện hữu. Nhận thức như vậy để chúng ta ý thức rõ ràng nguy cơ tiềm tàng của nó khi thực hành quyền lực trong tiến trình phát triển của xã hội, theo đó để có các giải pháp “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” tệ nạn này, với sự kiên trì, bền bỉ, là cuộc chiến lâu dài, không thể thắng lợi triệt để trong một sớm, một chiều.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, cũng như tại nước ta trong thời gian qua cho thấy, trong cuộc chiến chống tham nhũng, vai trò nêu gương, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp rất quan trọng. Họ vừa là tấm gương để cán bộ, quần chúng nhân dân soi rọi vào (một tấm gương sáng còn hơn một trăm bài diễn văn hay), đồng thời, họ được ví như nước đầu nguồn của dòng suối, nước đầu nguồn phải trong thì dòng suối mới trong. Ngoài việc nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã quy định rất cụ thể về vấn đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu (Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cương vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương).
Hai là, khẳng định rõ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự” trong PCTN. Mặt khác, yêu cầu quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng phải xem xét, đánh giá khách quan, biện chứng, thận trọng, làm rõ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của những người có động cơ tư lợi cá nhân để xử lý phù hợp, động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước. Từ đó phải phân hóa, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể trong từng trường hợp cụ thể để quyết định các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc xử lý khác cho phù hợp, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, “tâm phục, khẩu phục”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, nhằm “giáo dục cảnh tỉnh”, “răn đe, phòng ngừa sai phạm”... như đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã nhiều lần nhấn mạnh.
Ba là, “coi trọng giáo dục liêm chính”, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCTN; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ; xây dựng hướng dẫn khung các Bộ quy tắc ứng xử PCTN; xây dựng các biện pháp bảo đảm thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ... để hình thành ngày càng rõ nét văn hóa liêm chính, giải pháp căn cơ để PCTN.
Bốn là, đẩy mạnh “kiểm soát quyền lực” để PCTN; kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Năm là, từng bước mở rộng phạm vi “PCTN ra khu vực ngoài nhà nước” để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biết chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước.
3. Đảng ta xác định, để công tác PCTN đạt hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng. Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có ý nghĩa và quyết định thắng lợi của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến PCTN hiện nay là:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, nhất là thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong đó chú trọng xử lý cả các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với quan điểm: Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi phạm tội là ai, đã có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.
Thứ hai, phải đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành văn hóa nêu gương, “nói đi đôi với làm” trong cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu; văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và văn hóa “căm ghét tham nhũng” trong đại bộ phận quần chúng nhân dân. Người đứng đầu phải quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Cần xử lý nghiêm minh người đứng đầu không chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phát hiện, xử lý tham nhũng, có hành vi bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; kịp thời xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Nơi nào có nhiều thông tin phản ánh về tham nhũng, tiêu cực nhưng không chủ động tự kiểm tra để phát hiện hoặc phát hiện nhưng không xử lý, nương nhẹ thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhịêm và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, do đó, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh vi phạm trong thực thi nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
4. Để những nội dung quan trọng trên của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, chúng ta có nhiều việc cần làm, trong đó, theo chúng tôi, cần tập trung vào 02 đề sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN bằng những chương trình hành động, kế hoạch thực hiện rất cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Quyết tâm và thực hiện có hiệu quả việc lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ PCTN của mỗi cán bộ, đảng viên là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như việc xem xét để quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt vào những vị trí cao hơn đối với người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên. Đây chính là điều kiện ràng buộc và sự hình thành động lực tự thân bên trong để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tự giác, nghiêm túc đấu tranh PCTN.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN để kịp thời đánh giá, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân làm tốt, có thành tích, cũng như xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có.
TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)