Lào Cai, ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư

Thứ Bảy, 04/09/2021, 06:20 [GMT+7]
    Ngày 18/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
    Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức học tập, quán triệt thực hiện, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 04-CT/TW đến từng chi bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
 
Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tháng 7, triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2021
Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tháng 7, triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2021
    Nâng cao vai trò, trách nhiệm, xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Khi có vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phải đưa vào tiêu chí đánh giá việc thực hiện công tác PCTN.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng PCTN của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng; cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN và thu hồi tài sản trong giai đoạn hiện nay để thực hiện; trọng tâm là việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết, đề án của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.
 
    Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; kịp thời ban hành, tham mưu ban hành các văn bản để cụ thể hóa các văn bản pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; nghiên cứu, kiến nghị với Trung ương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng, góp vốn, cổ phần để kiểm soát tài sản, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.
 
    Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự  các cấp nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai… theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án trong việc xác minh thông tin, áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phối hợp trong PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài (nếu có).
 
    Các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra mới chuyển để hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.
 
    Cơ quan điều tra các cấp trong quá trình giải quyết các vụ việc, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, cùng với củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, đồng thời phải chú trọng xác minh làm rõ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; kịp thời áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi che giấu, tẩu tán, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 
 
    Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin phải chú ý yêu cầu của cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng bỏ trốn; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh nội dung và đề ra yêu cầu giám định; trong quá trình kiểm sát các hoạt động tư pháp, cần chú trọng yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, làm rõ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can để thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan khác có liên quan để rà soát, giải quyết các việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài, nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.  
 
    Tòa án nhân dân hai cấp chú trọng việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với người phạm tội như tịch thu, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. 
 
    Cơ quan thi hành án dân sự tích cực, khẩn trương, chủ động trong việc xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực, khẩn trương xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy lựa chọn các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản để đề xuất Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra, giám sát. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường chỉ đạo và giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
    Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các ngành thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự; các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng đổi mới phương thức hoạt động; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm, chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
 
    Các cơ quan chức năng tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài (nếu có). 
 
    Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tham mưu báo cáo Ban Bí thư Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN
Thanh Huyền 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai)

 

.