Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kiểm soát việc thực thi quyền lực để ngăn ngừa suy thoái (Kỳ 1)
Thứ Ba, 30/07/2019, 08:34 [GMT+7]
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả điều hành của Nhà nước. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Bài 1: Những bài học đắt giá
Việc nhận diện đối tượng suy thoái cũng như xác định động cơ và nguyên nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là hết sức cần thiết, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực, ngăn chặn việc sử dụng quyền lực không đúng mục đích.
Nhận diện đối tượng suy thoái
Tình trạng suy thoái ở cán bộ, đảng viên chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng mất dần đi cái tốt, tăng dần cái xấu, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng nhận định: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Một cán bộ tốt có thể trở thành một cán bộ hư hỏng, biến chất nếu không được quản lý, kiểm tra, phê bình, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời. Theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo điều này: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng... Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng”. Sự lo lắng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là mối quan tâm chung của hàng triệu đảng viên, quần chúng nhân dân và những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.
Ban Nội chính Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ảnh minh họa Đặng Phước) |
Các biểu hiện suy thoái liên quan đến thực thi quyền lực nêu trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII rất đa dạng, như nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp, “đại gia”, “xã hội đen” thao túng, chi phối, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng đồng phạm là minh chứng về việc cán bộ bị thao túng khi thực thi quyền lực xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Tình trạng suy thoái lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát giao thông, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển.
Thực tế cho thấy, có những cán bộ giữ chức vụ cao, thường yêu cầu cấp dưới và quần chúng phải giữ gìn đạo đức, lối sống, nhưng bản thân và người nhà không chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đến khi hành vi của những cán bộ này bị phơi bày, công chúng mới biết họ đã bị suy thoái, tha hóa, biến chất. Đó là những chính trị gia một thời được coi là năng nổ, nhiệt huyết như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thành Cang... Đó là những doanh nhân điều hành những tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Trịnh Xuân Thanh (PVC), Dương Chí Dũng, Mai Xuân Phúc (Vinalines), Nguyễn Ngọc Sự (Vinashin)... Nhiều tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật, như hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phương Minh Hòa và nhiều tướng lĩnh khác. Nhiều lãnh đạo ngân hàng bị truy tố như Đỗ Tất Ngọc (Agribank), Trần Phương Bình (DAB), Trần Bắc Hà (BIDV).
Rất nhiều lãnh đạo địa phương vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã bị kỷ luật, truy tố như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều cán bộ khác ở các cấp tỉnh, huyện, xã. Đó là những công chức địa chính, tài chính, cán bộ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm. Bất cứ ở đâu, khi việc thực thi quyền lực không được kiểm soát đúng đắn, tất yếu dẫn tới sự tha hóa và lạm quyền.
Ông cha ta đã tổng kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Những cán bộ suy thoái, tha hóa tác động mạnh đến suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Trải qua thời gian, sự suy thoái tạo thành những thói quen, nếp nghĩ, lối sống: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”, “có quyền là có tất cả”. Xã hội xuất hiện những cuộc đua “chạy điểm”, “chạy biên chế”, “chạy ghế”, những trào lưu sống vị kỷ, những con người sẵn sàng chà đạp lên cái thiện, cái đúng, cái cao thượng, cái thiêng liêng, lòng tự ái, tự tôn dân tộc. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi đã sa ngã, suy thoái thì khó có thể thực thi quyền lực một cách đúng đắn.
Những khoảng trống, kẽ hở
Trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị, có những lúc cơ chế kiểm soát quyền lực không hoạt động tốt, để lộ nhiều kẽ hở, khoảng trống, tạo môi trường thuận lợi cho sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ nguyên nhân: Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở.
Trong Đảng, công tác lựa chọn, quản lý, đề bạt cán bộ chưa chặt chẽ. Mặc dù có hệ thống kiểm tra, giám sát từ ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhiều cấp nhưng ở nhiều nơi không phát hiện, ngăn ngừa được vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Công tác giám sát, phản biện của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên có hiệu quả thấp, thiếu cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách đầy đủ. Việc thanh lọc đảng viên, thay thế cán bộ tha hóa, yếu kém, uy tín thấp, năng lực kém chưa được thực hiện quyết liệt.
Qua những vụ việc, vụ án được xử lý từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, có thể nhận thấy, hầu hết các sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước do cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm hết trách nhiệm, có nơi buông lỏng kiểm tra, giám sát; thiếu động cơ, mục đích trong sáng khi thực thi nhiệm vụ. Như tại tỉnh Đác Nông, một địa phương với hơn 630 nghìn dân, nhưng có hơn 200 cán bộ, đảng viên có chức vụ bị xử lý kỷ luật trong giai đoạn 2017 - 2019. Có những huyện, hầu hết cán bộ chủ chốt bị kỷ luật như Đác Glong, Tuy Đức. Ông Trần Đình Mạnh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng ba nhiệm kỳ (2008 - 2013, 2013 - 2015, 2015 - 2020). Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cũng bị cách chức huyện ủy viên ba nhiệm kỳ nêu trên, đồng thời bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Suốt một thời gian dài, tư tưởng “sai phạm là chuyện thường” trở thành nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ, công chức tỉnh Đác Nông. Cán bộ sai phạm thậm chí bất chấp dư luận, coi thường thông tin trên báo chí, ngang nhiên cấu kết làm sai.
Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chưa tương xứng với vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhiều cuộc giám sát của Quốc hội, HĐND có hiệu quả không cao, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri. Hiệu quả hoạt động của các cá nhân đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa được kiểm chứng, đánh giá; cơ chế thay thế, miễn nhiệm đại biểu dân cử khó thực hiện. Cung cách giám sát “hỏi để biết”, “giám nhưng không sát” qua nhiều năm chưa có chuyển biến rõ. Công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân hạn chế cả về năng lực giám sát, cơ chế giám sát, thiếu thông tin để giám sát.
Hoạt động điều hành của Chính phủ còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Kỷ luật hành chính của các cấp chính quyền còn yếu, không đủ răn đe cấp dưới. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống hành pháp chưa được người dân tin tưởng. Việc ban hành kết quả thanh tra, xử lý sai phạm ở nhiều nơi còn mập mờ, kết luận thanh tra chậm được công bố. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo lớn, khiếu kiện đông người tăng. Hoạt động kiểm toán hạn chế về năng lực chuyên môn. Một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính. Tháng 4-2019, năm cán bộ của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt về tội nhận hối lộ. Năm bị can đều là những cán bộ, đảng viên có nhiều năm công tác, người ít tuổi nhất đã 43 tuổi, có người chuẩn bị về hưu, nhưng cũng không giữ được liêm chính.
Cơ chế kiểm soát quyền lực của hệ thống tư pháp còn yếu, dẫn đến nhiều sai phạm của cơ quan hành pháp không được xử lý đầy đủ, nghiêm minh. Việc “chạy án” còn xảy ra ở tất cả các khâu tố tụng. Dư luận đặt câu hỏi về những trường hợp xử lý không nghiêm, không tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm. Trong vụ án đánh bạc trên mạng năm 2018, nhiều cán bộ giữ cương vị cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật như hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm. Trong khi đó, nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa đem lại hiệu quả cao, thiếu tính khả thi, như việc công khai, minh bạch thông tin; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Phát hiện tham nhũng còn yếu, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều vướng mắc...
Nhận thức sâu sắc về động cơ, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên, ba năm qua, Trung ương và các cấp ủy đảng tập trung cao độ cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên.
Hà Hồng Hà
(Báo Nhân Dân)