Các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 08/06/2019, 07:00 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết các hành vi tuyệt đối nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2019?
 
    Trả lời: Từ ngày 01-7-2019, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn (cán bộ, công chức, viên chức; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...) trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
    Điều 2 của Luật này quy định:
 
    1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: (a) Tham ô tài sản; (b) Nhận hối lộ; (c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; (d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; (đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; (e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; (g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; (h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; (i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; (k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; (l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; (m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
 
    2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: (a) Tham ô tài sản; (b) Nhận hối lộ; (c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
 
    Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: (1) Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 nêu trên. (2) Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. (3) Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. (4) Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Mục 2 Chương IX của Luật này (quy định cụ thể ở Điều 94 và 95).
T.H
.