Những loại tài sản người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập

Thứ Năm, 06/06/2019, 11:49 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, pháp luật quy định như thế nào về những loại tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai?
 
    Trả lời: Theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập có 08 nhóm tài sản, thu nhập quy định người có nghĩa vụ phải kê khai minh bạch.
 
    Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP quy định: Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
 
Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). (Ảnh minh họa)
Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
(Ảnh minh họa)
    Theo đó, Điều 8 Nghị định này quy định các loại tài sản, thu nhập mà cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện kê khai bao gồm:
 
    1. Các loại nhà, công trình xây dựng: (a) Nhà, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu; (b) Nhà, công trình xây dựng khác chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác; (c) Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.
 
    2. Các quyền sử dụng đất: (a) Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng; (b) Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
 
    3. Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
 
    4. Tài sản ở nước ngoài.
 
    5. Ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp Luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
 
    6. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
 
    7. Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
 
    8. Tổng thu nhập trong năm.
 
    Về trình tự, thủ tục kê khai, tiếp nhận Bản kê khai tại Điều 9 của Nghị định này quy định: (1) Hàng năm, chậm nhất là ngày 30-11, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ lập danh sách Người có nghĩa vụ kê khai trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt; gửi mẫu Bản kê khai, hướng dẫn và yêu cầu Người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. (2) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được mẫu Bản kê khai, việc kê khai phải được hoàn thành và nộp về cho đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ. (3) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản kê khai, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ kiểm tra tính đầy đủ các nội dung phải kê khai; trường hợp Bản kê khai chưa đúng quy định (theo mẫu) thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ lưu bản chính hoặc bản sao theo thẩm quyền, gửi 01 bản sao đến cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi sẽ công khai Bản kê khai để thực hiện việc công khai theo quy định. (4) Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31-12 hằng năm.
 
    Khoản 1 Điều 5 Nghị định này cũng quy định: Người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập và những biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.
Phương Anh
.