Cán bộ chống tham nhũng 'vòi tiền' - đau xót trách nhiệm nêu gương
Thứ Ba, 18/06/2019, 14:48 [GMT+7]
Ngày 14-6, hai ngày sau khi vụ việc Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ về hành vi “vòi tiền” hàng chục tỷ đồng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 01-8-2019.
Về vụ việc này, khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã khẳng định: Đây là vụ việc “rất đáng tiếc”, xảy ra trong khi Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo lực lượng thanh tra trong sạch. Ngay lập tức, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ thông tin về vụ việc. Sau khi có kết luận, Bộ sẽ chỉ đạo kiên quyết xử lý và không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật. Cũng sau vụ việc này, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động của Thanh tra Bộ để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện công vụ của các cán bộ thanh tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc vi phạm.
Sự vào cuộc của Chính phủ, của cơ quan quản lý là rất kịp thời; sự chỉ đạo cũng quyết liệt, với tinh thần không bao che, không dung túng cán bộ, mà kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật nếu thật sự kết luận là có sai phạm.
Vụ việc, với số tiền đòi “chung chi” lên tới hàng chục tỷ đồng, quả thật đã làm nóng dư luận ngay khi được phanh phui. Điều đáng đau lòng hơn, là Trưởng đoàn Thanh tra, một trong hai người đã bị công an Vĩnh Phúc bắt quả tang và tạm giữ, chính là Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng. Cán bộ phòng, chống tham nhũng lại nhũng nhiễu địa phương, doanh nghiệp, “vòi tiền” tới hàng chục tỷ đồng, để rồi bị công an bắt quả tang. Vậy thì, rõ ràng là biết sai mà vẫn vi phạm, là người cầm cân nảy mực mà lại sẵn sàng tự nhúng bùn đen mình!
Chất lượng cán bộ lâu nay vẫn luôn là vấn đề được người đứng đầu Đảng ta canh cánh. Có hẳn một quy định về trách nhiệm nêu gương được Tổng bí thư, Chủ tịch nước ban hành tại Quy định số 18-Qđi/TW ngày 25-10-2018; trong đó có nội dung: Kiên quyết chống “Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước” (điểm 5, điều 3).
Một khí thế đầy quyết tâm và cũng đầy đổi mới, “không có vùng cấm”, không có bao che mọi sai phạm đã mang lại luồng gió mới cho lòng tin của dân, của xã hội vào sự chính trực của Đảng, của Nhà nước, của cán bộ… ngay sau quy định này. Vậy mà nay, đường đường một cán bộ chống tham nhũng, lại cố tình vi phạm, tự buông lỏng trách nhiệm nêu gương của bản thân, cố tình bỏ quên những điều quy định lẽ ra mình phải rõ nhất và phải thực hiện nghiêm nhất.
Sự việc vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an để có hướng xử lý chính xác nhất, đúng người, đúng việc nhất. Cơ hội để “trắng án” có lẽ là vô cùng mỏng manh, vì hai cán bộ của đoàn thanh tra này đã bị bắt quả tang tại chỗ; có nhân chứng, vật chứng!
Theo một đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cuộc thanh tra tại tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là một trong 90 cuộc thanh tra trong năm 2019 của Thanh tra Bộ Xây dựng (năm ngoái, con số này là 93). Trong đó, nội dung thanh tra đều tập trung vào lĩnh vực thanh tra chuyên ngành xây dựng như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, thực hiện quy định pháp luật về nhà ở; hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ Xây dựng còn tiến hành thanh tra tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), TP Việt Trì (Phú Thọ), thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), TP Hải Dương (Hải Dương), TP Ninh Bình (Ninh Bình), TP Hội An (Quảng Nam), TP Biên Hòa (Đồng Nai), UBND các quận Tân Phú, Phú Nhuận, Thủ Đức (TP.HCM), TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu và một số chủ đầu tư sân golf trên cả nước. Đông thời, sẽ thanh tra nhiều “ông lớn” trên thị trường bất động sản.
Cũng do thanh tra xây dựng là lĩnh vực khá “nhạy cảm”, nên để đảm bảo tính nghiêm minh của thanh tra, hàng năm Bộ Xây dựng ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể hoạt động của đoàn Thanh tra như quy chế làm việc; quy chế giám sát, thậm chí là chỉ thị về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, điều đáng tiếc là sự việc đoàn Thanh tra của Bộ lại có hành vi vòi tiền vẫn xảy ra.
Công tác thanh tra không thể vì những việc xảy ra như tại Vĩnh Phúc mà dừng lại, cũng không thể vì một vụ việc này mà nghi ngờ tính nghiêm minh của các đoàn Thanh tra. Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 93 cuộc thanh tra năm 2018, các đoàn thanh tra đã ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 927,5 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phê duyệt lại dự toán 707,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 134,8 tỷ đồng; yêu cầu nộp về tài khoản của chủ đầu tư 15,2 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 6,3 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 63,3 tỷ đồng. Ban hành 131 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung 24,6 tỷ đồng.
Điều cần làm là thanh lọc những “con sâu”, để công tác thanh tra thật sự là nghiêm minh và đúng như hai chữ “thanh tra” là kiểm tra, xem xét để phát hiện những trường hợp vi phạm!
Phạm Tuyết
(TTXVN)