Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng
Việc xử lý nghiêm hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến giữa năm 2018) và những con số tội phạm liên quan tham nhũng hiện nay cho thấy: Việc kiểm soát quyền lực nếu bị buông lỏng sẽ làm quyền lực bị tha hóa, gia tăng lộng quyền, lạm quyền và hàng loạt hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ có chức, có quyền.
Điều này không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; làm mất lòng tin của người dân, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, sự ổn định, trật tự, đồng thuận xã hội, mà còn đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm suy yếu sức mạnh và an ninh quốc gia. Điều đó đang đặt ra yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.
Nguy cơ từ tha hóa quyền lực
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (ngày 21-1) về tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong năm 2018 cả nước đã xảy ra hơn 53 nghìn vụ xâm phạm trật tự xã hội. Các cơ quan chức năng phát hiện 23 nghìn vụ phạm tội về ma túy, gần 16 nghìn vụ phạm tội về kinh tế, 378 vụ phạm tội về tham nhũng, hơn 2.300 vụ buôn lậu, gần 25 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường; phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203 nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 20 nghìn tỷ đồng, khởi tố gần 2.000 vụ với hơn 2.300 đối tượng. Hội nghị nhận định, trên phạm vi cả nước tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư dự án. Tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn chưa giảm…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các cấp, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, và đạo đức công vụ, đề cao vai trò người đứng đầu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý, tiêu cực, tham nhũng, bao che tiếp tay từ một số bộ phận cán bộ công chức tha hóa, biến chất… Phải tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu ngay trong chính lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế...
Thực tiễn cho thấy, quyền lực càng lớn thì càng cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát quyền lực cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ bằng pháp luật và các quy định, quy trình giám sát xã hội rộng rãi, chặt chẽ, khoa học và phù hợp thực tế; được thiết kế đa chiều, phối hợp kiểm soát cả từ trên xuống và từ dưới lên, từ bên ngoài và tự kiểm soát nội bộ. Công tác kiểm soát quyền lực cần được siết chặt, đi liền với tăng cường giám sát, kiểm tra và phản biện xã hội trong những ngành, lĩnh vực và địa phương có tính nhạy cảm cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài nguyên quốc gia và nhất là công tác cán bộ.
Để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, từng cán bộ, đảng viên phải tự giác và tự kiểm soát việc thực hiện quyền và chức trách, nhiệm vụ của chính mình; tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật có liên quan và Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định về quản lý cán bộ, đảng viên và “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành.
Cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; tôn trọng, tạo thuận lợi và đề cao công tác giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, tư pháp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; khuyến khích vai trò của báo chí, dư luận xã hội trước các hành vi lạm dụng quyền lực.
Việc nhận diện, định danh các biểu hiện vi phạm và lạm dụng quyền lực rất cần thiết, cần được hoàn thiện: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực… Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (tháng 5-2018) nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đồng thời chú trọng kiểm soát quyền lực; yêu cầu phải “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Ngày 10-10-2018, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề án, Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ được Ban biên soạn theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao. Đây là một nội dung quan trọng trong tổng thể các chủ trương, chính sách tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Thời gian gần đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương và các đơn vị thuộc ngành thanh tra, kiểm tra, công an, nội chính, kiểm sát và tòa án, cũng như kiểm toán Nhà nước đóng vai trò trụ cột, phối hợp khá hiệu quả với sự phát hiện, phản ánh của nhân dân, của các cơ quan báo chí trong kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng. Cùng với những vụ án trọng điểm về chống tham nhũng được Trung ương kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm, nhiều ngành chức năng có những sáng kiến cụ thể hóa các hành vi lạm dụng, nhũng nhiễu để tăng cường nhận diện và tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động của ngành, đơn vị mình.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Thực tế cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ là khởi đầu của mọi hành vi tham nhũng. Một quy trình dù chặt chẽ đến mấy nhưng đều có thể bị hình thức hóa; cơ chế tập trung và dân chủ có thể bị vô hiệu hóa bởi sự lệch chuẩn giá trị, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cá nhân của người có thẩm quyền và cán bộ tham mưu. Những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư” ban đầu và tiếp tục củng cố lợi ích cá nhân, phe nhóm. Về tổng thể, việc thiếu kiểm soát quyền lực và tham nhũng trong công tác cán bộ thật sự trở thành mối nguy lớn, trực tiếp và gián tiếp đe dọa sự nghiệp chung của toàn dân tộc và lợi ích quốc gia, sự tồn vong của chế độ.
Bởi vậy, chống tham nhũng và sự tha hóa trong công tác cán bộ là bài toán và nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết trong thời gian tới. Đó cũng là mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, thực tế sẽ rất khó khăn, vất vả vì đó là cuộc chiến với kẻ thù bên trong Đảng, chống lại những thủ đoạn tinh vi, sự đan xen lợi ích phức tạp, lại bị một số thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, bóp méo. Để đạt kết quả đề ra cần thực sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ phải tuyệt đối công tâm, trong sáng, khách quan, vì sự nghiệp chung, không vướng bận yếu tố cá nhân, không bị chi phối từ quan hệ và lợi ích...
Trước mắt cần tập trung tạo các “chốt chặn”, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế, quy định về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, như quy hoạch, giới thiệu, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ cũng là giải pháp góp phần nâng cao năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, khơi thông và phát huy cao nhất mọi nguồn lực quốc gia, sức mạnh cộng đồng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Ts Nguyễn Minh Phong
(Theo Báo Nhân Dân)