Trách nhiệm nêu gương - quyết tâm của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Thứ Năm, 07/02/2019, 07:05 [GMT+7]
Hội nghị Trung ương tám (khóa XII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó, càng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức và tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và để Đảng ta thật sự “là đạo đức là văn minh”. Bài viết điểm lại những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương từ Đại hội X đến nay và nêu lên những nhiệm vụ cần thiết để thực hiện tốt Quy định số 08 của Đảng về trách nhiệm nêu gương.
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Đảng ta có kỷ luật nghiêm minh, tự giác, chặt chẽ - kỷ luật sắt và trong quá trình hoạt động, lãnh đạo luôn quan tâm đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên tự chỉnh đốn với yêu cầu mọi đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng trong từng giai đoạn cách mạng, kịp thời thanh lọc những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách, có vi phạm nghiêm trọng ra khỏi Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho các cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2018 ngày 04-01-2019. |
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những kết quả, ưu điểm đạt được, công tác xây dựng Đảng còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm, vi phạm. Đặc biệt là những yếu kém, khuyết điểm, nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Đại hội VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo còn khắc phục chậm, chưa bị đẩy lùi, đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Đảng và Nhà nước; bảo vệ chủ quyền biển đảo, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định”(1). Như vậy, đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải kỷ luật xóa tên, khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý bằng pháp luật, chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2017 đã đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên là 50.938 đảng viên, bằng hình thức khai trừ 12.499 đảng viên(2). Ngoài ra, còn nhiều đảng viên khi chuyển đảng đến nơi khác, nhất là nơi cư trú, không nộp hồ sơ để được sinh hoạt mà tự ý bỏ sinh hoạt. Những vi phạm của đảng viên đã gây bức xúc trong dư luận và làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Một trong những nguyên nhân chủ quan, cơ bản của tình trạng trên là thiếu sự nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, nhất là của một số cán bộ, đảng viên đứng đầu tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự nêu gương, từ nhiệm kỳ Đại hội VIII, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội X đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến việc cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải nêu gương, như: Bộ Chính trị đã ban hành: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07-11-2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nêu gương. Nhất là những văn bản trực tiếp đến việc phải nêu gương, như: Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để phát huy hơn nữa của việc nêu gương và nâng tầm pháp lý phải nêu gương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 08/QĐi/TW ngày 25-10-2018 (gọi tắt là Quy định 08) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định 08 là yêu cầu bắt buộc mọi cán bộ, đảng viên để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điểm mới trong Quy định 08, là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu và quy định rõ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung cụ thể đã nêu ở Điều 2. Đồng thời, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống 8 biểu hiện tha hóa, suy thoái nêu tại Điều 3 của Quy định này.
Thực tốt Quy định 08 không chỉ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, mà còn là tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương về “sự tự tu, tự dưỡng, tự rèn, tự soi, tự tránh, tự sửa, tự xử” để cán bộ, đảng viên và mọi người học tập noi theo. Do đó, đòi hỏi ở sự gương mẫu, liêm khiết, trung thực rất cao của người đứng đầu, của cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để làm gương và sức lan tỏa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và Nhân dân”(3) và “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, ngoài thực hiện tốt các nội dung đã được đề ra trong Quy định 08, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, quy định và tổ chức học tập, thực hiện “văn hóa từ chức”, “văn hóa tự xử” và “quy chế trả giá trách nhiệm” đối với những sai lầm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vấn đề này xuất phát từ trình trạng thiếu gương mẫu, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội ở các cấp là khá phổ biến, biểu hiện trong thực tế có một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, lạm quyền trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, tạo ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Tình trạng chưa gương mẫu và thiếu trách nhiệm của cán bộ cấp trên thể hiện ở hiện tượng tùy tiện của cấp dưới trong việc thực hiện các chính sách, dự án, nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp do bị “rút ruột” mà không hay biết hoặc biết thì không truy cứu trách nhiệm được cho đối tượng nào. Nhiều dự án, công trình xây dựng xong nhưng đưa vào sử dụng, hoạt động không phát huy hiệu quả, không bảo đảm tính khả thi, gây lãng phí, thất thoát vốn, nguồn lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là có những cán bộ thiếu gương mẫu, nhất là lạm quyền, lợi dụng quyền lực, sai phạm về trách nhiệm quản lý, hoặc có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, chạy theo “chủ nghĩa thành tích”, gây thiệt hại kinh tế lớn nhưng không phải trả giá và cũng chưa thấy ai tự nhận trách nhiệm, “tự xử bằng việc tự từ chức”, tự nhận hình thức kỷ luật để làm gương.
Tinh thần trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại, mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp chế tài của Đảng và pháp luật. Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương, lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý chặt chẽ, khoa học của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trên thực tế sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng để mọi cán bộ, đảng viên đề cao ý thức trách nhiệm nêu gương là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Muốn thế, cần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính cần có của một con người và đặc biệt cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính của con người như là trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; như đất có 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thiếu một mùa không còn là trời, thiếu một phương không còn là đất và thiếu một đức tính thì không còn là người. Đạo đức luôn chiếm vị trí hàng đầu trong phẩm chất của người cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Đạo đức là gốc của con người, là nền tảng tư tưởng, tinh thần, định hướng sự phát triển của cán bộ, đảng viên và mọi người. Đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, là nền tảng và sức mạnh - “cái gốc” của người cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm tức là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để xâm phạm một đồng xu, một hạt thóc của Nhà nước, của Nhân dân. Phải trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Bác còn căn dặn: Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân. Đến khi lộ ra bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu, phải nêu gương sáng.
Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và khi đó sẽ là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Việc học tập và làm theo Bác cần tập trung vào nội dung nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, trách nhiệm nêu gương trong cơ quan, tổ chức và xã hội. Cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao khả năng tự “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các nhân tố độc hại từ bên ngoài; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, chứ không phải là lời nói suông, “nói mà không làm”, “nói một đằng làm một nẻo” hoặc “nói vậy nhưng không phải vậy”. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(4). Mỗi cán bộ, đảng viên phải “Có ý thức làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”(5), phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(6). Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, thực dụng, thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, thực sự là công bộc của nhân dân.
Hai là, gắn việc thực hiện Quy định 08 với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định về những điều cán bộ, đảng viên, công chức không được làm. Việc thực hiện Quy định 08 và việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, Quy định về những điều cán bộ, đảng viên, công chức không được làm… cần phải triển khai thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, từng cán bộ, đảng viên để tự soi lại mình về những việc làm cụ thể; tổ chức đảng lắng nghe, chắt lọc những nội dung các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý cho đảng viên để gợi ý đảng viên kiểm điểm, tự giác nêu gương giải trình nghiêm túc, tự đề ra phương hướng, kế hoạch khắc phục, sửa chữa những biểu hiện thiếu gương mẫu, sự tha hóa quyền lực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thường xuyên nêu gương, phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Không được cậy thế, lạm quyền và trong hoàn cảnh nào, cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Người đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hập dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn
được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (7). Do đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó, phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương sáng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(8) và “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết và rất quan trọng” (9).
Ba là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, quản lý đảng viên; về cơ chế, thể chế phát triển kinh tế - xã hội và các quy định có liên quan đến hoạt động và chấp hành của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để có căn cứ, cơ sở chính trị, pháp lý cho cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị -xã hội, các tổ chức kinh tế của Nhà nước chấp hành, cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng thành quy chế, quy định cụ thể của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị để thực hiện đúng và có căn cứ để kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý khi cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước phải tự nhận thức, có kế hoạch cụ thể trong từng thời gian để thực hiện trách nhiệm nêu gương về ý thức trách nhiệm, tính tự giác đi đầu, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ, ỷ lại, không lẩn tránh, thoái thác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và nêu gương về giữ gìn đạo đức, lối sống một cách thiết thực trong thực tiễn. Các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, chi bộ có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện, chấp hành của đảng bộ, đảng viên bằng các hình thức, biện pháp thích hợp. Đồng thời, có cơ chế, quy trình cụ thể để thực sự phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và của nhân dân trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Năm là, coi trọng việc giám sát, kiểm tra, xem xét, kết luận khuyết điểm để xử lý “công minh, chính xác, kịp thời” những cán bộ, đảng viên có vi phạm, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương có vi phạm để làm gương, như từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ cao cấp kể cả đã nghỉ hưu không chỉ có tác dụng thúc đẩy, lan tỏa ra các cấp mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với mọi cán bộ, đảng viên và lấy lại lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung vào Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm những hình thức kỷ luật đối với đảng viên có vi phạm về trách nhiệm nêu gương được quy định trong Quy định 08, trong đó nếu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm những nội dung đã được quy định trong Quy định 08 cũng cần được xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh.
Với việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định 08 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức và tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và để Đảng ta thật sự “là đạo đức là văn minh”.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Nxb CTQG, H.2016, tr.74-75.
(2) http://www.phapluatplus.vn/ra-soat-loai-bo-nhung-nguoi-khong-du-tu-cach-ra-khoi-dang-d86571.html
ngày 19-12-2018.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.5, tr.229. (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr.290.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr.289, 290.
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr.289, 290.
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.557-558.
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.510.
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.511.
|
Cao Văn Thống
(Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương)