Đầu xuân nghĩ chuyện "cân, đong" đạo đức cán bộ
Chủ Nhật, 10/02/2019, 05:30 [GMT+7]
1. Trước thềm năm mới 2019, nhìn lại năm cũ, trong “bức tranh” tổng thể về kinh tế - xã hội nước nhà, thấy nổi lên những gam màu sáng tối đan xen và đáng suy ngẫm. Một là, điểm sáng nhất trong “bức tranh” đó là mảng kinh tế, với mức tăng trưởng rất ấn tượng kể từ năm 2011 đến nay. Hai là,đã từ lâu, năm 2018, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta khẳng định “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”; “... nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại”. Ba là, mảng có nhiều gam màu tối đó là văn hóa, đạo đức xã hội. Điều này thể hiện quán tính kinh tế tăng trưởng nhưng văn hóa, xã hội vẫn xuống cấp, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Đầu Xuân mới, nghĩ về vấn đề đạo đức của cán bộ cách mạng lại nhớ đến câu nói của Bác Hồ về vấn đề này. Người còn so sánh một cách hình ảnh là: Trời có bốn mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”. Đất có bốn phương “Nam, Bắc, Tây, Đông”. Người có tứ đức “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Người cho rằng, thiếu một Mùa thì không thành Trời. Thiếu một Phương thì không thành Đất. Thiếu một Đức thì không thành Người. “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người cũng nhấn mạnh và coi trọng vấn đề đạo đức trong Đảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Chính vấn đề đạo đức quan trọng với người cán bộ cách mạng như vậy cho nên, ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời, vấn đề đạo đức của người cách mạng đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt ra như bài học đầu đời của những người cách mạng. Trong tác phẩm: “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, ngay trang đầu của tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra 23 tiêu chí về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó phần lớn các tiêu chí thuộc phạm trù phạm trù đạo đức cách mạng. Đó là: “cần, kiệm”; “nhẫn nại (chịu khó)”; “vị công vô tư”; “không hiếu danh, không kiêu ngạo”; “hy sinh”; “ít lòng ham muốn về vật chất”; “quyết đoán”; “dũng cảm”; “phục tùng đoàn thể”... Từ tác phẩm đầu tiên này đến tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (đăng Báo Nhân Dân ngày 029-1969), hơn 40 năm, vấn đề đạo đức của người cán bộ cách mạng luôn là một trong nỗi lo canh cánh của Bác. Khi có điều kiện, Người đều tranh thủ dăn dạy, rèn luyện những người học trò của mình. Có thể nói, các phẩm chất đạo đức này là rất căn cốt, theo suốt cả cuộc đời của người cách mạng và cho đến ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, trong cả cuộc đời hy sinh vì Đảng, vì nước, vì dân, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cho đến trước lúc “đi xa”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn nêu gương và kiên trì giáo dục, tuyên truyền cán bộ, đảng viên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và coi đó là “gốc” của người cán bộ cách mạng.
Trong suốt 89 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua các thời kỳ cách mạng, phần lớn cán bộ, đảng viên đều cố gắng, phấn đấu giữ gìn đạo đức cách mạng, thậm chí có nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù, trên các chiến trường chống giặc ngoại xâm vô cùng ác liệt, tuy có phải chịu đựng đày ải, tra tấn dã man hay trải qua những giây phút cam go, khốc liệt, thậm chí phải hy sinh tính mạng, nhiều người vẫn giữ vững đạo đức, khí tiết của người cán bộ, đảng viên. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc cũng như kẻ xâm lược, sự nghèo khó của đất nước và mọi người dân cũng đã không làm cho sự ham muốn về vật chất của cán bộ, đảng viên phát triển. Những phẩm chất đạo đức đã chiến thắng mọi khó khăn thiếu thốn, góp phần làm nên mọi thắng lợi trong các cuộc cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đổi mới, trong nền kinh tế thị trường, khi nhiều người có “của ăn, của để” thậm chí ngày càng giàu lên bằng nhiều cách, khi xu hướng sùng bái cuộc sống vật chất tác động mạnh mẽ đến xã hội thì đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức của cán bộ, đảng viên cũng bị tác động và dần dần xuống cấp, thậm chí rất nghiêm trọng. Điều đáng nói là, có nhiều cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, ở cả cấp cao, nhẽ ra phải là những người gương mẫu, đi đầu, nhưng ngược lại trở thành những tấm gương xấu, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Tháng 11-2016, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Tháng 10-2018, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám đã ban hành Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Điều đáng chú ý nữa là trong 16 điều của Quy định thì có đến 8 điều liên quan đến đạo đức của cán bộ lãnh đạo quản lý. Đây là một bước tiến có tính định lượng đạo đức của cán bộ, đảng viên chúng ta, đồng thời sẽ tránh được tình trạng “nhà dột từ nóc” như nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương... trong những năm qua.
2.Tuy nhiên, có thể nói trong nhiều năm qua, việc quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên chủ yếu mang tính định tính, định lượng còn chưa rõ ràng, khó có thể đo đếm cụ thể được và quy định cũng thường mang tính tự giác là chính. Do vậy, để góp phần “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong mỗi cán bộ, đảng viên, để họ nêu gương, lan tỏa ra xã hội thì cần định lượng hóa đạo đức cán bộ, đảng viên. Dưới đây là một số đề xuất:
Thứ nhất, chúng ta cần luật hóa việc quản lý đạo đức cán bộ, công chức khu vực công. Nước ta là nước dân chủ, người dân có quyền lựa chọn cán bộ, công chức phục vụ tốt nhất cho mình, đòi hỏi phải công khai hóa các nguồn lực công, trong đó có nguồn lực về con người, nhất là cán bộ, công chức, không được sử dụng tài sản công phục vụ cho lợi ích cá nhân. Đạo đức cán bộ, công chức phải là vấn đề đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần có quy định chi tiết về đạo đức công vụ. Các hành vi của cán bộ, công chức phải cao hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn các tổ chức, cơ quan, đơn vị ngoài nhà nước, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp. Phẩm chất đạo đức của một cán bộ, công chức phải là: Cam kết thực hiện các hành vi và sự nghiệp ở mức độ cao; có sự am hiểu về pháp luật và các đạo luật về đạo đức; có khả năng giữ gìn đạo đức khi đối mặt với những cám dỗ, những tình huống khó khăn; có thể xác định và hành động theo những giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức công vụ; có khả năng vận động, thúc đẩy mọi người có những hành vi đạo đức trong các tổ chức, đơn vị công... Đồng thời, cần tạo ra những điều kiện, môi trường thuận lợi cụ thể để cán bộ, công chức phấn đấu, rèn luyện, đo đếm được đạo đức công vụ của mình.
Thứ hai, các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải là những hình mẫu về thực hành đạo đức công vụ. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn luôn ý thức rằng, mình là đối tượng mà thường xuyên có “quan trên trông xuống, người ta trông vào” ngay ở những cử chỉ nhỏ nhất hay ở những nơi được coi là “kín đáo” nhất. Từ đây, người cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt, tác động tích cực và góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của cấp dưới cũng như những người xung quanh, tạo ra niềm tin vững vàng cho tất cả mọi cán bộ, công chức về đạo đức công vụ. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, những cán bộ lãnh đạo, quản lý cần biết quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức dưới quyền thực hiện những hành vi đạo đức tốt ở vị trí công việc họ đảm nhiệm. Chính vì vậy, đòi hỏi cấp trên khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công tâm, công bằng để xứng đáng là người đứng đầu.
Thứ ba, tạo ra cơ chế, quy định khuyến khích những hành vi đạo đức công vụ tốt, có tác dụng, hiệu quả. Việc quản lý đạo đức theo phương pháp truyền thống thường tập trung vào vào việc tự giác, tuân thủ và trừng phạt mà ít khuyến khích những tập thể, cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt. Ngày nay, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức công vụ tốt, bên cạnh biện pháp răn đe, trừng phạt thì cần đề ra hình thức khuyến khích, động viên những hành vi tốt trong thi hành công vụ và những hành vi có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, trong đó có cả biện pháp cải tiến công vụ, thái độ phục vụ người dân, tránh những biểu hiện thờ ơ, vô cảm. Để thiết lập những quy định về khuyến khích, thúc đẩy một cách có hiệu quả các hành vi tốt, ngăn chặn các hành vi phi đạo đức thì khung pháp lý cần bao gồm cả những quy định cân bằng về cả những hệ quả tích cực và cả những hệ lụy tiêu cực về hành vi thiếu đạo đức gây nên.
Thứ tư, sử dụng hiệu quả công cụ kiểm soát đạo đức cán bộ, đảng viên. Yêu cầu các cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cung cấp những thông tin đáng tin cậy về tình trạng đạo đức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Mục đích của việc cung cấp thông tin này nhằm liên kết giữa kết quả về tình trạng đạo đức trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương với các giá trị về hiệu lực, hiệu quả, chất lượng và sự tin cậy của thông tin. Kiểm soát đạo đức còn là công cụ để có thể xác định được “khoảng trống” trong các đường lối, chính sách và thủ tục hành chính. Đây là những “lỗ hổng” rất dễ xảy ra các hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Qua đây, có thể giúp việc ban hành các quy định mang tính pháp lý để “lấp đầy” các “khoảng trống” này.
Thứ năm, chú trọng quản lý các xung đột về lợi ích trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức công. Tệ nạn tham nhũng thường xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chi tiêu ngân sách nhà nước, do những cán bộ, công chức, viên chức thiếu đạo đức cách mạng gây ra. Trong những năm qua, tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương tự nhau nhưng lại có mức thu nhập khác nhau. Trong cùng một đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, có thang bảng lương như nhau, cống hiến như nhau nhưng về thu nhập, của cải thì có “kẻ giàu nứt đố, đổ vách” còn nhiều người vẫn lo ăn, lo mặc, lo chi tiêu bằng đồng lương hạn hẹp. Điều này dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn, xung đột về lợi ích xảy ra khá phổ biến. Do đó, vấn đề quản lý xung đột lợi ích cần được triển khai bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc kê khai định kỳ thu nhập cá nhân cán bộ, công chức, kể cả người thân trong gia đình họ. Đối với một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng thì lại càng phải quan tâm đến việc rèn luyện, giáo dục, kiểm soát đạo đức của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Chính phủ cũng cần bổ sung các quy định về nghĩa vụ công khai việc làm thêm, cổ phần hóa, cung cấp thông tin về công việc hoặc các hoạt động đối tác mà có thể xảy ra xung đột lợi ích với vị trí làm việc của cán bộ, công chức nhà nước. Chính phủ cũng cần có quy định về việc nhận quà tặng và những lời mời ăn cỗ, tham gia các chuyến du lịch, cấp học bổng, “trợ giúp” về đất đai, căn hộ, nhà ở... của các doanh nghiệp, đối tác nhằm góp phần ngăn chặn những ảnh hưởng, tác động không mong muốn từ bên ngoài tác động vào quá trình ra quyết định của cán bộ, công chức.
Tham nhũng, lãng phí và vấn đề tu dưỡng phẩm chất đạo đức là hai lĩnh vực có liên quan mật thiết với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa hại cho nước”. Thực tế, nước ta trong những năm qua càng làm sáng tỏ quan điểm đó. Do vậy, cân đong được đạo đức cán bộ, công chức, đảng viên là một yếu tố quan trọng, góp phần quyết định thành công của cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ở nước ta hiện nay.
Vũ Lân
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân Vận)