Đã là tham nhũng - dù lớn hay bé đều phải chống
Thứ Hai, 04/02/2019, 05:23 [GMT+7]
Đánh giá về tình hình tham nhũng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Bài viết đã nêu một số kết quả quan trọng trong công tác PCTN ở nước ta thời gian qua với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thể hiện quyết tâm PCTN thì đã là tham nhũng dù lớn hay bé đều phải chống.
Những ngày cuối năm 2018, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có Bài phát biểu tại 02 Hội nghị quan trọng ở Trung ương(1) và được xem là tư tưởng định hướng, chỉ đạo xuyên suốt nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong năm 2019. Đề cập đến tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhận định: “Tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước, tình trạng trên nóng dưới lạnh, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi…”. Từ đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu nhiệm vụ là phải: “Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí… tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật”... Trong quá trình đó, đồng chí cũng chỉ ra sự thật rằng: “Xử lý cán bộ cấp cao thật đau lòng, song, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới…”.
Vì sao công tác đấu tranh PCTN lại được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm và thường xuyên nhắc đến trong các phát biểu của mình như vậy? Điều này có lẽ xuất phát từ những việc làm được và chưa được trong công tác PCTN thời gian qua, từ mong muốn cấp thiết và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân, của cán bộ đảng viên đối với người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tặng Cờ thi đua của Ban Nội chính Trung ương cho 02 đơn vị (Vụ Theo dõi xử lý các vụ án và Văn phòng Ban) dẫn đầu phong trào thi đua năm 2018 ngày 04-01-2019. |
Những việc đã làm được và nhân dân tin tưởng
Cách đây vài năm khi đánh giá về tình hình tham nhũng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nhận thức tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mà đứng đầu là Tổng Bí thư và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền bất kể người đó là ai. Làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Với quyết tâm “nói đi đôi với làm” và làm đến nơi, đến chốn “không đầu voi, đuôi chuột”, không “đánh trống, bỏ dùi”, PCTN đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu không ai có thể đứng ngoài, không thế lực nào có thể cưỡng lại được. Lò đã nóng lên rồi thì “củi khô, củi tươi nào cũng phải cháy” và lò sẽ còn cháy mãi không ngừng nghỉ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 đảng viên do tham nhũng hoặc cố ý làm trái; Tòa án các cấp đã xét xử hơn 1.500 bị cáo phạm tội tham nhũng - đáng quan tâm là đã có 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó xử lý hình sự 16 người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng mà lâu nay được cho là vùng cấm, nhạy cảm và nhiều vụ việc kéo dài từ những năm trước đó đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả(2). Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng... Do vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tài sản đạt trên 31%... Đánh giá kết quả PCTN năm 2018, Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII vừa qua khẳng định: “…Tham nhũng đang được kiềm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm…”. Đây là điểm sáng, là bước đột phá quan trọng được Nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ và bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta.
Những việc chưa làm được và nhân dân còn bức xúc
Tham nhũng là “khuyết tật” của quyền lực, là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia. Dù chúng ta nỗ lực quyết tâm và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với vai trò cầm quyền của Đảng. Không chỉ tham nhũng có giá trị lớn mới là sự thách thức và gây ra những tác hại nguy hiểm mà ngay cả tham nhũng có giá trị nhỏ, “tham nhũng vặt” cũng gây ra những hậu quả khôn lường. Bởi vì, “tham nhũng vặt” xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở - cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Nếu không xử lý triệt để, “tham nhũng vặt” không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, mà có thể “hủy diệt”, “quét sạch” lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Hiện thời, “tham nhũng vặt” đang trở thành một trong những “bức xúc” nhất của Nhân dân. Tổng Bí thư ví nó như “ghẻ ruồi” - không gây chết người nhưng làm người ta khó chịu. Khó chịu vì nó thể hiện hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh gần như trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Từ xin cấp phép đến xin việc, chuyển việc, chuyển viện, chuyển trường, xin được ly hôn, chia thừa kế, v.v… từ bệnh viện, trường học, công sở đến ngoài đường, bến bãi, kho trạm, v.v… từ những cán bộ bình thường không có chức vụ đến những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý, v.v… đâu đâu cũng tồn tại nạn đưa, nhận, lót tay, phong bì, v.v… đến mức việc này đã thành thói quen, thông lệ người dân cứ nghĩ khi đến cơ quan công sở, có việc nhờ đến cán bộ thì phải có chung chi, nếu không có thì không được việc, còn doanh nghiệp khi được hỏi thì cho rằng “đây là khoản chi có thể chấp nhận được”.
Tham nhũng vặt tạo ra một cung cách làm việc sách nhiễu, cửa quyền, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi của đội ngũ cán bộ. Họ sẽ không hành xử theo đúng tinh thần cán bộ là công bộc, là đầy tớ của Nhân dân mà hành xử vì mưu lợi cá nhân, hành dân để trục lợi. Đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước theo yêu cầu công khai, minh bạch - tôn trọng dân, phục vụ dân. Nếu chúng ta không nghiêm trị để tham nhũng vặt lộng hành thì càng ngày đội ngũ cán bộ càng thoái hóa biến chất, càng ngày càng xa dân. Lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, vào chế độ càng ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng - Đây không phải là bản chất của đội ngũ cán bộ đảng viên, không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng. Do vậy, chống “tham nhũng vặt” đã trở thành một yêu cầu, một mệnh lệnh xuất phát từ cuộc sống của người dân. Có rất nhiều biện pháp, giải pháp được nêu ra để PCTN vặt nhưng thiết thực nhất, cụ thể nhất trong lúc này có lẽ cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tháng 11-2018: “Cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng tham nhũng vặt ở địa phương, cơ quan mình. Chọn một số việc trong các khâu, lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm để xử lý nghiêm và công khai nhằm tăng cường răn đe, chấn chỉnh, khắc phục thực trạng này…”.
(1) Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 26-12-2018 và Hội nghị trực tuyến
toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 28-12-2018.
(2) Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; vụ án xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng công thương Việt Nam; vụ án xảy ra tại Vinalines; vụ án xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông; vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu; vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tại Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn...
|
Thái Nguyên
(Ban Nội chính Trung ương)