Nhận diện đúng để chống tham nhũng
Các cơ quan chức năng đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để trình Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua vào cuối năm 2018. Dự thảo Luật gồm 11 chương, với 96 điều, quy định về nhận diện và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng…
Nhìn chung, trong Dự thảo có nhiều điểm mới tích cực, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng với tinh thần không có ngoại lệ và vùng cấm, không cho phép tội phạm tham nhũng hạ cánh an toàn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc chiến gay go chống tham nhũng cho thấy, việc nhận diện đúng và đủ các hành vi tham nhũng là rất quan trọng để ngăn ngừa tội phạm tham nhũng, nhất là không cho tội phạm tham nhũng “đổi tội danh” và lẩn tránh trách nhiệm, núp dưới dạng “thiếu năng lực”, viện dẫn “đúng quy trình” và đổ lỗi cho cơ chế “trách nhiệm tập thể”…
Bên cạnh đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng cùng quyết tâm của cả bộ máy chính trị và xã hội, rất cần sự vào cuộc tích cực với trách nhiệm và cơ chế giám sát phòng, chống tham nhũng cụ thể của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và người dân; đặc biệt, cần định danh cơ quan cao nhất và người đứng đầu trong các thể chế phòng, chống tham nhũng; bổ sung cơ chế bảo vệ người tham gia tố cáo, phòng, chống tham nhũng để khuyến khích người dân tích cực tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Chế tài xử lý tài sản, thu nhập khai báo không trung thực và không giải trình được nguồn gốc hợp lý cần nghiêm khắc hơn. Nên chăng cho phép tịch thu sung ngân sách nhà nước và một tỷ lệ nhất định như một khoản phạt hành chính (chứ không phải thuế). Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản đó. Nếu nguồn gốc tài sản được giải thích hợp lý, thì tài sản còn lại sẽ được hợp pháp hóa, nhưng khoản bị thu lúc đầu không được hoàn trả, vì đó là tiền phạt vì không khai báo tài sản theo quy định…
Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, đã và đang xuất hiện tình trạng lạm quyền, hoặc “mượn uy” của người nhà quan chức để lập nhóm “cánh hẩu”, sử dụng các công ty “sân sau” để liên kết lợi ích, trục lợi.
Tội phạm nguy hiểm và khó chống nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Việc lạm quyền, lách luật, cố tình mua, bán, chạy ghế, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm và bao che cán bộ, người nhà và người quen… đã, đang và sẽ là cội nguồn của tham nhũng, mà hệ lụy không thể tính chỉ bằng tiền. Bởi lẽ, khi “đầu tư” chạy ghế, thì cả người bán, kẻ mua sẽ khéo léo che giấu hành vi, người mua sẽ tìm mọi cách tham nhũng để “hoàn vốn và thu lời”. Trong cơ chế hiện nay, một lãnh đạo đứng đầu tổ chức mà hư hỏng và tham nhũng thường dễ làm hỏng cả đội ngũ cấp dưới, hình thức hóa mọi quy trình và vô hiệu hóa cả bộ máy tổ chức của đơn vị mình phụ trách. Nguy hại hơn, việc kéo dài tình trạng này khiến cán bộ tham nhũng ngày càng nhiều về lượng, vị trí ngày càng cao, thủ đoạn ngày càng tinh vi và trắng trợn, quy mô tham nhũng ngày càng lớn, trong khi năng lực, trách nhiệm cá nhân ngày càng thấp…
Tất cả điều đó không chỉ khiến năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng suy giảm, lòng tin và đạo đức, giá trị xã hội bị tổn thương, mà uy tín công tác cán bộ và tính chính danh của Đảng cũng sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.
Tham nhũng trong công tác cán bộ vì thế cần được đánh giá là tham nhũng nguy hiểm, cội nguồn của nhiều tội phạm tham nhũng khác. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ là đột phá mới cần có cả về pháp lý và thực tiễn, là động lực mạnh mẽ tạo chuyển biến về chất và bảo đảm cho sự thành công của cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam.
Minh Phong
(Báo Nhân dân)