Ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm" trong cán bộ, đảng viên

Thứ Hai, 23/07/2018, 16:41 [GMT+7]
    Muốn ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” trong cán bộ, đảng viên đòi hỏi một hệ thống giải pháp tổng thể. 
 
    Trong đó theo tôi có một số giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng như Bác Hồ đã căn dặn. Đây là giải pháp mang tính quyết định, bởi vì nguồn gốc của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” trong cán bộ, đảng viên là xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Khi chủ nghĩa cá nhân lấn át thì dẫn đến tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng phải làm thường xuyên, tu dưỡng, rèn luyện suốt đời, chứ không thể làm theo đợt, theo phong trào.
 
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
    Thứ hai là, việc nêu gương của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành, địa phương. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng. Cán bộ lãnh đạo càng cao thì tầm ảnh hưởng của việc nêu gương càng lớn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải làm gương từ việc nhỏ đến việc lớn, phải thường xuyên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ lãnh đạo phải “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Về vai trò của nêu gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý.
 
    Để nêu gương, trước hết đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình như rửa mặt hằng ngày. Trong công việc phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.
 
    Thứ ba, phải thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm. Điều đó không chỉ là đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ. Với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, sự thống nhất giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Người có địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải làm gương. Cấp dưới và quần chúng nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhân dân nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở về những điều mình đã hứa. Hứa mà không làm là điều tệ hại nhất.
 
    Thứ tư, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, của gia đình mình, dòng họ mình; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng hằng ngày, hằng giờ. Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Bệnh cá nhân chủ nghĩa còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì tiêu cực, bi quan; từ đó dẫn đến những biểu hiện chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn. Vì vậy, phải kiên quyết chống và loại trừ những biểu hiện tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác; chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, không nhìn xa trông rộng. Đấu tranh và loại trừ việc tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích… Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình; tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các đối tượng khác để trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước; các biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ…
 
    Thứ năm, tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng các cấp, nhất là ở chi bộ. Chi bộ, tổ chức đảng ở cơ sở phải quản lý chặt chẽ đảng viên, giao nhiệm vụ cho đảng viên và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tổ chức đảng ở cơ sở, chi bộ phải yêu cầu cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu thường xuyên báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc tu dưỡng rèn luyện của đảng viên cho chi bộ biết để theo dõi, giám sát, kiểm tra. Chi bộ, tổ chức đảng ở cơ sở phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Kiên quyết chỉ ra và đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật; đồng thời kiên quyết chống biểu hiện lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng cấp trên hoặc vu khống, bôi nhọ, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
 
    Thứ sáu, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ buộc cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những người lạm quyền, lộng quyền để mưu lợi cho cá nhân mình, gia đình mình, nhóm lợi ích; xử lý nghiêm những người tham ô, tham nhũng, lãng phí... Cơ chế, chế tài phải đủ mạnh để cán bộ lãnh đạo, quản lý không dám, không thể và không muốn tham ô, tham nhũng. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bất cứ ai dù ở cương vị nào mà tham ô, tham nhũng, sai phạm khi lợi dụng chức vụ quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình mình, lợi ích nhóm mình thì đều bị trừng trị, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
 
    Thứ bảy, thực hiện công khai, minh bạch, công tâm, khách quan mọi khâu trong công tác cán bộ để chọn đúng người có tài, đức, trình độ, năng lực, tầm nhìn xa trông rộng, thì mọi việc sẽ thành công, đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Muốn công tác cán bộ thật sự đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của Đảng, của dân tộc, cần quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
 
    Theo đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Cần chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm...; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân mà lựa chọn cán bộ... Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả tám nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, hai trọng tâm và năm đột phá mà Nghị quyết đã nêu.
GS,TS Vũ Văn Phúc
(Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương)
 
.