Áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật hình sự năm 2015
Thứ Hai, 07/10/2019, 06:06 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết, một số quy định hướng dẫn về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật hình sự năm 2015?
Trả lời:
Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 2015 tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13-9-2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.
- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015
Hiện nay, quy định về tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 chưa được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể.
Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 3 biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015. (Ảnh Cổng TTĐT Quốc hội) |
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án". Theo các văn bản hướng dẫn trước đây của Tòa án nhân dân tối cao với các cơ quan hữu quan khác cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua, thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác: Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước; Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ; Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; Người bị hại cũng có lỗi; Thiệt hại do lỗi của người thứ ba; Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo; Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản; Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” có tương tự như tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không?
Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” và tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.
- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015
Quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo.
Thanh An