Có thể đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích
Thứ Bảy, 31/08/2019, 07:47 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích?
Trả lời: Người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích, thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định. Theo đó, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, Điều 33 quy định: (1) Việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích; việc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác được thực hiện khi có căn cứ cho rằng nếu để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc tiếp tục giữ vị trí công tác đó sẽ không bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. (2) Việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương VI của Nghị định này và những quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
Phòng “một cửa hiện đại”. (Ảnh minh họa - nguồn internet) |
Tại Điều 34 Nghị định này quy định rõ nội dung đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích, đó là: (1) Việc đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng về việc người đó có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (2) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn. (3) Quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải ghi rõ họ và tên của người có chức vụ, quyền hạn; thời gian đình chỉ; lý do đình chỉ; quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn bị đình chỉ; hiệu lực thi hành. (4) Quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải được gửi cho người bị đình chỉ và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
Áp dụng pháp luật khác về kiểm soát xung đột lợi ích tại Điều 35 Nghị định này nêu rõ: Trong trường hợp pháp luật khác có quy định về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này thì còn áp dụng quy định của pháp luật đó.
Phương Anh