Hướng tới Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản vô giá của dân tộc
Thứ Tư, 13/05/2020, 23:51 [GMT+7]
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn. Tư tưởng của Người toát ra từ hành động, việc làm của một nhà cách mạng từ khi Người đi tìm đường cứu nước đến khi là Lãnh tụ Đảng, Chủ tịch Nước. Dù qua câu chữ, văn bản, hay qua việc làm và cách làm, ở Người đều toát lên sự sâu sắc mà giản dị, chân thật mà uyên bác của một nhà văn hóa, một nhà cách mạng có tầm thời đại. Tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin tiếp bước theo con đường Người đã chọn.
Sâu sắc mà giản dị, chân thật mà uyên bác
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn. Tư tưởng của Người toát ra từ hành động, việc làm thông qua công việc của một nhà cách mạng từ khi Người còn đi tìm đường cứu nước, đến trên cương vị Lãnh tụ Đảng, Chủ tịch Nước. Và, phần nhiều được thể hiện ở những bài nói, bài viết ngắn gọn, ở những chỉ thị, lời khuyên bảo, dặn dò với cán bộ, đảng viên, trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý, đối nội, đối ngoại, ở cách ứng xử của Người với quần chúng nhân dân, bạn bè, đồng chí và kẻ thù.
Nhưng dù qua câu chữ, văn bản, hay qua việc làm và cách làm đều toát lên sự sâu sắc mà giản dị, chân thật mà uyên bác của một nhà văn hóa, một nhà cách mạng có tầm thời đại. Mục tiêu cách mạng lớn lao mà Hồ Chí Minh chiến đấu suốt đời được Người nêu ra một cách rõ ràng, đầy đủ và có sức thuyết phục lạ thường: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chỉ ngắn gọn thế thôi, mà ham muốn của Người tỏa ra thành ham muốn của muôn người và lớp lớp thế hệ tự nguyện chiến đấu cho ham muốn đó.
Tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm cao trí tuệ, nhưng gần gũi, gắn bó với thực tiễn đời thường. Ở đó, có sự kết hợp tinh hoa của dân tộc và nhân loại, có tầm nhìn bao quát, nhưng lại rất cụ thể, trở thành những mệnh đề mang tính triết lý và cô đọng, gần với ca dao, tục ngữ. Như, “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”; hay “Chủ nghĩa thực dân là con đỉa hai vòi”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; “Cần, kiệm, liêm, chính/ Chí công, vô tư”; “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”… Hầu như đọc đến đâu, nghiên cứu đến đâu cũng đều thấy những câu nói súc tích, cô đọng, chứa đựng chân lý phổ biến, mang tính khoa học nhưng lại rất dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sáng tạo mang tính lịch sử mang tính thời đại. Xuất thân trong một gia đình nhà nho có nguồn gốc là nông dân, ra nước ngoài tìm đường cứu nước làm công việc của một công nhân, rồi ra sức học tập, nghiên cứu Người đã trở thành một trí thức lớn. Người đi khắp các châu lục và đến khoảng 30 nước, biết nhiều thứ tiếng nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa của nhân loại. Người được coi là một biểu tượng của sự kết hợp văn hóa Đông - Tây. Là một người hiểu sâu sắc về Nho giáo, nghiên cứu nhiều về Phật giáo và Công giáo, thấy hiểu thực tế của nhiều nước, sống với nhiều loại người, tiếp cận với nhiều loại chủ nghĩa, thế mà khi gặp được V.Lênin ở tác phẩm: “Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người reo lên: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta”. Và, Người đi đến khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Điểm nổi bật là từ chỗ nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã vận dụng vào thực tiễn Việt Nam để hình thành nên lý luận về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Là một người chiến đấu vì độc lập dân tộc, nhưng không giống như Tôn Dật Tiên (Trung Quốc), Neru (Ấn Độ) hay Suharto (Indonesia), mà dân tộc của Hồ Chí Minh là: “Làm thuộc địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”. Đây là sự gặp nhau giữa lý tưởng “ái quốc” với lý tưởng “cộng sản”; một sáng tạo lớn không chỉ về lý luận mang tính thời đại, mà đã được Người vận dụng thành công vào cách mạng Việt Nam để giành độc lập dân tộc, đánh thắng “hai đế quốc to” và ngày nay đang thực hiện đường lối Đổi mới theo con đường Người đã vạch ra.
Tư tưởng rộng lớn, bao la được cụ thể, cô đọng, hài hòa
Tư tưởng Hồ Chí Minh phát triển trong điều chỉnh để hoàn thiện. Xã hội vận động muôn hình muôn vẻ, nhận thức của con người thường lạc hậu hơn thực tế. Chính vì vậy, mà ta thấy Hồ Chí Minh luôn đặt tư duy của mình trong dòng chảy của thời đại và lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn, luôn tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế “vạn biến”. Năm 1923, trong bài “Cuộc kháng chiến”, Người viết: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc”. Nhưng sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, ở Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5.1941), Người nêu quan điểm giải phóng dân tộc lên trước: “Có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp”. Về vấn đề chính quyền, năm 1930, trong “Chính cương vắn tắt”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Mục tiêu cách mạng là dựng ra chính quyền công nông binh”. Nhưng, đến năm 1941, ở Hội nghị Trung ương 8, Người lại chủ trương: “Không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô Viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính quyền dân chủ cộng hòa”…
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh thấy vĩ đại ở chỗ, tư tưởng thì rộng lớn, bao la, mà được Người cụ thể đến cô đọng và hài hòa trong cuộc sống, được dân gian hóa vào đời thường, được đi vào lòng người, tạo nên sức mạnh vô song và mang đến thành công rực rỡ. Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng để Đảng ta vận dụng vào sự nghiệp Đổi mới của đất nước. Cả về góc độ lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá về tinh thần của dân tộc ta và của nhân loại.
TS. Đặng Duy Báu
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh)