Giám sát đầu tư của cộng đồng, các trình tự, quy trình giám sát và việc thanh tra đầu tư công

Thứ Tư, 08/04/2020, 09:35 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, việc giám sát đầu tư của cộng đồng; các trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng và việc thanh tra đầu tư công được pháp luật quy định như thế nào?
 
    Trả lời: Luật Đầu tư công năm 2019 quy định việc giám sát trong đầu tư của cộng đồng bao gồm:
 
    Các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội. Cơ quan chủ quản tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật.
 
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận góp ý về Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận góp ý về Luật Đầu tư công (sửa đổi)
    Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng bao gồm: (a) Việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; (b) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền lợi của Nhân dân; (c) Các chương trình, dự án sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân; (d) Tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; (đ) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công theo quy định tại Điều 14 của Luật này; (e) Phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án (Điều 74).
 
    Tại Điều 75 Luật này quy định về các trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng, cụ thể là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau đây: (a) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn theo các nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 74 của Luật này; (b) Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án; (c) Thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chậm nhất 45 ngày trước ngày thực hiện.
 
    Chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm: (a) Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án quy định tại Khoản 2, Điều 74 của Luật này cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; (b) Tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật; (c) Tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.
 
    Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án được quy định bao gồm: Chủ chương trình và chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc chương trình, dự án. Cơ quan chủ quản, người quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tác động, đánh giá đột xuất chương trình, dự án được giao quản lý. Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá tự đánh giá hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để đánh giá. Chính phủ quy định chi tiết việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án và giám sát đầu tư của cộng đồng (Điều 76).
 
    Về thanh tra đầu tư công Điều 77 Luật này quy định: Hoạt động thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thanh tra hoạt động đầu tư công phải gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của các cơ quan, tổ chức và phải đúng trình tự, thủ tục thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Kết luận thanh tra về hoạt động đầu tư công được công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công, cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Phương Anh
.