Banner

Điểm báo tuần số 434 từ ngày 23/8 đến ngày 29/8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 30/08/2021, 14:54 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/8)  đồng loạt đưa tin, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, các đồng chí dự họp, lãnh đạo chủ chốt đã thảo luận, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu đã có nhiều đóng góp tích cực, các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân… Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc-xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., sớm thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh; Quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; không để các thế lực thù địch, phản động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở công tác phòng, chống dịch; tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, căn cứ phạm vi trách nhiệm được giao, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ban, bộ, ngành, địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nhanh, có hiệu quả các công việc, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt theo quy định…
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Nghệ An, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (25/8) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Ngô Công Trứ, ngụ xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, Phú Yên, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo bản án, từ tháng 6/2020 đến tháng 01/2021, trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Phú Yên, thông qua mạng xã hội, Trứ biết rõ tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức phản động lưu vong do Đào Minh Quân đang sống tại Mỹ cầm đầu. Thế nhưng Trứ đã đồng tình, ủng hộ cương lĩnh, điều lệ của tổ chức phản động này. Trứ làm đơn tự nguyện tham gia tổ chức và được kết nạp thành viên nhằm cùng tổ chức này xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thay thế bằng nhà nước “Đệ tam Việt Nam cộng hòa”. Dưới nhiều hình thức khác nhau, Trứ đã kích động, nói xấu lãnh tụ, vận động nhiều người tham gia tổ chức phản động trên nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Ngô Công Trứ 10 năm tù.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (25/8) thông tin từ Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đối với 06 bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ Công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”. Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Phạm Quang Tuấn, cựu Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn; Nguyễn Hữu Cường, cựu Đội phó Đội điều tra tổng hợp; Đỗ Hữu Dũng, cựu Đội phó Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đinh Đình Việt, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, kinh tế, ma túy cùng hai cựu thượng úy Nguyễn Viết Công và Vũ Duy Thanh. Theo kết luận điều tra, lúc 1 giờ ngày 13/11/2020, Đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn cho kiểm tra hoạt động tại quán karaoke Hải Sơn 86 ở phường Hợp Đức. Tại phòng VIP5 có 17 người tập trung bay lắc. Công an thu giữ được một số viên nén nghi thuốc lắc, dụng cụ dính bột trắng nghi ketamine. Tại phòng VIP4 và VIP5 có 28 người. Qua test nhanh, 25 người dương tính với ma túy. Nguyễn Hữu Cường khai ban đầu vẫn chỉ đạo làm rõ dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong quán trên. 06 bị can trong vụ án trên đã thống nhất nhận tiền của người nhà các đối tượng để không xử lý, làm lại hồ sơ theo hướng cho các đối tượng viết lại bản tự khai không sử dụng ma túy, không phát hiện ma túy trong quán, ký khống vào biên bản ghi lời khai, biên bản xét nghiệm ma túy để hợp thức hóa hồ sơ; tiêu hủy toàn bộ hồ sơ ban đầu và vật chứng vứt vào thùng rác… Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có đủ cơ sở xác định quán karaoke Hải Sơn 86 có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ quan điều tra -Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an TP Hải Phòng điều tra theo thẩm quyền.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Quốc hội, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/8) đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chỉ đạo). Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần nghiên cứu, ban hành chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực. Tại phiên họp, các thành viên đã nghe công bố Nghị quyết số 141-NQ/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về thành lập Ban Chỉ đạo (27 thành viên) xây dựng các chuyên đề được phân công. Các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, thống nhất Quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo, xác định yêu cầu cụ thể đối với kết quả nghiên cứu của từng chuyên đề và tiến độ thực hiện…Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là Đề án đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành là căn cứ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp Văn phòng Đảng đoàn tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, tập trung vào những nội dung, gồm: Vấn đề hoàn thiện quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu đặt ra đối với từng chuyên đề, vừa đạt những mục tiêu, vừa phát huy sức sáng tạo của từng cơ quan và từng thành viên tham gia Ban Chỉ đạo; về tiến độ; vai trò của tổ biên tập; các nguyên tắc, chế độ làm việc…
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/8) phản ánh các nội dung của Phiên họp thứ 13, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, để xem xét cho ý kiến về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án. Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận, nêu rõ: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng phải thực hiện đúng Hiến pháp; tiếp tục quán triệt mục tiêu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, trước hết là hệ thống tư pháp. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước hoan nghênh Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã chuẩn bị công phu các dự thảo Đề án, Báo cáo. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, có giá trị cao, thẳng thắn, nhiều chiều, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về cải cách tư pháp. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Đề án và lắng nghe nhiều chiều các ý kiến của các thành viên, bảo đảm sát thực tiễn, bảo vệ chế độ, quyền lợi của nhân dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và bảo đảm yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa. Chủ tịch nước đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện Đề án bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Về thẩm quyền xác định khái niệm xét xử trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, Chủ tịch nước yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với các cơ quan tố tụng thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức. Về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Chủ tịch nước đánh giá, việc triển khai áp dụng cơ chế Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã được tiến hành từ nhiều năm qua và đã làm tốt, tuy nhiên cần khắc phục 1 số vấn đề cần quan tâm, khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/8) đưa tin, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch công bố Quyết định đặc xá năm 2021 và tổ chức bàn giao, tiếp nhận người đặc xá về nơi cư trú. Theo đó, việc phạm nhân được đặc xá phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan vào các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân được đặc xá không về được nơi cư trú hoặc vi phạm quy định phòng, chống dịch hoặc không có nơi cư trú. Sau Lễ Công bố đặc xá, các cơ sở giam giữ tiến hành làm đầy đủ thủ tục cấp giấy chứng nhận đặc xá, tiền tàu xe, tiền ăn, tiền hỗ trợ, cấp tiền, quần, áo… cho người được đặc xá; mục tiêu cao nhất của đợt đặc xá lần này là tổ chức cho phạm nhân về đến nhà an toàn, đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và đảm bảo phòng chống dịch; yêu cầu các cơ sở giam giữ tổ chức Lễ công bố đặc xá gọn nhẹ, trang trọng, từng đơn vị cụ thể phải tổ chức đặc xá theo đúng Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công an; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dưỡng bắt buộc phải nắm kỹ tình hình các đơn vị giam giữ, nếu khó khăn báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo, giải quyết. Công an các đơn vị, địa phương nơi tiếp nhận người được đặc xá trở về nơi cư trú, cấp lại giấy tờ tuỳ thân, đặc biệt là hộ khẩu, căn cước công dân, thực hiện nghiêm Nghị định 49 về tái hoà nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, không để họ tái phạm tội.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/8) cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp, chuẩn bị cho việc triển khai 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện chương trình hoạt động giám sát cho năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; ban hành Nghị quyết số 19/2021/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ tiến hành 2 giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phạm vi rộng, do đó, phải xác định rất rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Đối với từng chuyên đề giám sát, những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, có báo cáo rồi thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật chứ không phải là “chạy lại từ đầu”. Đồng thời, cần phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan…
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/8) cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Cuộc họp hướng tới quán triệt nghiêm việc thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp trọng tâm trong phòng chống dịch. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, tổ chức tôn giáo, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là những lực lượng tuyến đầu như y, bác sĩ, quân đội, công an... đã tích cực trong phòng, chống dịch.Tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc tích cực, thực sự vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng lưu ý, các địa phương nghiên cứu di dời những nơi có mật độ dân số quá cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn đến nơi thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo. Biện pháp này đã được tỉnh Bắc Giang và hiện nay là TP Hồ Chí Minh đang triển khai. Cùng với đó là thực hiện sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất. Đối với những doanh nghiệp có điều kiện tự nguyện và đề nghị sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "3 cùng", "một cung đường 2 điểm đến", "sản xuất xanh"…, cấp ủy chính quyền các cấp hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là tiêm vaccine, xét nghiệm, nếu cần sẽ hỗ trợ thêm theo các quy định của Chính phủ và đảm bảo chuỗi cung ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương không đưa ra quy định riêng…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Lao Động, Công lý, Hà Nội mới, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (23/8) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương và một số đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 21 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong số 21 bị can bị đề nghị truy tố có Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh. Bị can Trần Văn Nam khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký ban hành nhiều văn bản áp dụng giá đất để Cục thuế tỉnh Bình Dương áp dụng giá đất đối với khu đất 43 ha và 145 ha giao cho Tổng Công ty Bình Dương để thu tiền trái quy định pháp luật, gây thất thoát hơn 761 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng, những hành vi của Trần Văn Nam chính là nguyên nhân phát sinh hành vi phạm tội trong vụ án bán rẻ 43ha “đất vàng”, và cựu Bí thư chưa thành khẩn khai báo động cơ vụ lợi cá nhân.
    
    Báo Công an nhân dân, Lao Động, Thanh tra, Thanh Niên, Sài Gòn, giải phóng, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (24/8) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) Trần Phương Bình cùng 9 đồng phạm trong vụ án gây thất thoát ở DAB chi nhánh Hà Nội, gây thiệt hại cho DAB gần 185 tỷ đồng. Đây là vụ án thứ 3 nguyên Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những sai phạm làm thất thoát tiền của DAB. Trước đó, năm 2019 và năm 2020, Trần Phương Bình đã 2 lần bị kết án tù chung thân về hành vi cùng các đồng phạm trong 2 vụ án gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng và hơn 8.800 tỷ đồng. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, Trần Phương Bình cùng một số cán bộ, lãnh đạo DAB đã có hành vi vi phạm quy định trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty cổ phần đầu tư và du lịch An Phát, Công ty TNHH Star Hair, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và thương mại Tràng An vay tiền với số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng DAB. Hành vi của các bị can trong vụ án có đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"…
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Công lý, VnExpress, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/8) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Yên đã quyết định khởi tố bị can đối với 3 cán bộ ở địa phương gồm Mai Hắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Ngô Quang Phú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Nguyễn Ngọc Duy, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Phú Yên, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tải sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Thông tin ban đầu cho thấy, thời điểm giữa năm 2017, các bị can đã lợi dụng chức trách được giao để giảm tiền bán đấu giá 262 lô đất tại Khu đô thị Nam Tuy Hòa không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 8 tỷ đồng.
 
    Báo Thanh tra, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, VietNamPlus, VnExpress, VietNamNet, Dân trí, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25/8) cho biết, Thanh tra Chính phủ tổ chức phát động Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy sự quan tâm, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cuộc thi được tổ chức thành 2 vòng: Vòng sơ kết chấm lấy 100 bài dự thi hoặc 10% tổng số bài dự thi có điểm cao nhất vào Vòng chung kết. Vòng chung kết chấm để lựa chọn ra các giải để trao thưởng. Đề thi gồm phần thi trắc nghiệm với 25 câu hỏi về kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và phần tự luận trình bày và phân tích các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay ở nước ta. Thời gian nhận bài thi tính từ ngày phát động Cuộc thi đến hết ngày 15/10/2021 (thời gian nhận bài thi được tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài thi: Báo Thanh tra, số 100 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Đời sống và pháp luật, VietNamNet, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/8) tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và kế toán để điều tra, xử lý về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Qua xác minh, điều tra đơn tố cáo nặc danh có nội dung liên quan đến một số cán bộ, công chức thuộc Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Buôn Đôn,  kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian từ năm 2017-2019, ông Nguyễn Hữu Trinh, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo ông Cao Cự Ngọc, là kế toán kiêm nhiệm của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thực hiện việc lập khống 34 hồ sơ, thanh toán và rút ngân sách của Nhà nước tổng số tiền hơn 229 triệu đồng.Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/8) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội khởi tố Hoàng Thị Thanh Nga, là chuyên viên của Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Thông tin ban đầu, Hoàng Thị Thanh Nga, được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp thẻ luồng xanh và được giao một tài khoản để sử dụng cấp thẻ. Trong quá trình thực hiện, đối tượng đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối với một số đối tượng để thu gom các trường hợp, cá nhân, tổ chức muốn xin cấp thẻ luồng xanh, sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền. Nga đã duyệt cấp hơn 1.700 hồ sơ xe ôtô, nhận tổng số tiền hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. Các đối tượng môi giới thu tiền của chủ phương tiện từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/xe.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Dân trí, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Lao Động, VietNamNet, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/8) thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt bị tạm giam đối với 4 đối tượng về hành vi "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" để qua chốt kiểm dịch phòng, chống COVID-19. Với vai trò là cán bộ y tế thuộc tổ liên ngành phòng, chống dịch COVID-19, Phạm Việt Cường, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà đã nhận số tiến 3,5 triệu đồng từ Nguyễn Trọng Đạt là nhân viên Ban tuyển dụng lao động của Công ty CP Tiên Hưng, có trụ sở tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để tạo điều kiện cho các công nhân của các công ty Tiên Hưng chưa xét nghiệm COVID-19 được qua chốt, ra vào tỉnh Thái Bình. Tương tự, Vũ Thị Lan, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lễ cũng nhận số tiền 5 triệu đồng của Nguyễn Duy Việt, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn, có trụ sở tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để cho các công nhân của Công ty này được qua chốt khi chưa có giấy xét nghiệm COVID-19. Hiện Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để điều tra, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23/8) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đang tiến hành điều tra Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng. Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng bị điều tra với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật". Cuối tuần qua, CCDI đã đưa ra một thông báo chính thức về vụ việc, nhưng không nêu rõ thêm chi tiết. Đây là quan chức cấp cao nhất ở tỉnh Chiết Giang (miền Đông Trung Quốc) bị điều tra trong những năm gần đây. Cuộc điều tra diễn ra chỉ 2 ngày sau khi cựu Bí thư Thành ủy Hồ Châu (cũng là 1 thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang) là Mã Tiểu Huy ra đầu thú với tình nghi "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật". Theo dư luận đánh giá, động thái mới nhất này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Hàng Châu là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng và thịnh vượng bậc nhất ở Trung Quốc, đồng thời là quê hương của tập đoàn trực tuyến khổng lồ Alibaba. Hàng Châu có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh ở tỉnh Chiết Giang. Sản lượng kinh tế của thành phố chiếm 1/4 tổng sản lượng của tỉnh và Chiết Giang là một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc.
 
    Báo Thanh tra (28/8) đưa tin, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính (EFCC) đã yêu cầu các ngân hàng điều tra rõ "đường đi" nguồn tiền rót vào tài khoản của khách hàng và báo cáo gian lận tài trợ bầu cử, sai sót ngoại hối. Ông Abdulrasheed Bawa, Chủ tịch EFCC cho biết, một số khách hàng đã nhận được một khoản tiền khổng lồ trong vòng 2 tháng kể từ khi mở tài khoản ngân hàng. Cơ quan chống tham nhũng của Nigeria yêu cầu các ngân hàng điều tra nguồn thu nhập của khách hàng. Cách đây ít ngày, Chủ tịch EFCC Abdulrasheed Bawa đề nghị các ngân hàng hợp tác với cơ quan này trong việc giải quyết các hành vi gian lận trong tài trợ bầu cử và các hành vi sai trái về ngoại hối. Trong một buổi làm việc với giám đốc điều hành của các ngân hàng vào tuần trước tại Lagos, ông Bawa cho biết, EFCC đang hoạt động phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng với việc phòng ngừa, thực thi pháp luật, thu hồi tài sản. Điều quan trọng là phải đưa các tổ chức tài chính bắt kịp tốc độ với các chính sách đang được thực hiện. Trong những năm gần đây, Nigeria được đánh giá là ít có sự tiến bộ trong công tác chống tham nhũng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, điểm CPI (Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng) của quốc gia này có chiều hướng giảm trong 5 năm gần đây. Số điểm 28 (năm 2016) đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2017, 2018 đạt 27 điểm, năm 2019 đạt 26 điểm, và năm 2020 đạt 25 điểm, xếp thứ 149/180 quốc gia.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch
    - Làm sai lệch hồ sơ vụ án tại Công an Đồ Sơn
    - Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
    - Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên thứ 13
    - Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.
.