Điểm báo tuần số 431 từ ngày 02/8 đến ngày 08/8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 09/08/2021, 15:10 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Người Lao động, Hà Nội mới, Công lý, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ Thủ đô, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (02/8) đưa tin, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập nghiên cứu, xây dựng Đề án. Theo đó, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban; các Thứ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng Ban. Tổ biên tập do Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng...Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 đạt được tổng thể 4 nội dung “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó nội dung “hiện đại” được quan tâm nhấn mạnh và xác định lộ trình cụ thể về thời gian để tập trung đầu tư. Các nội dung này có quan hệ chặt chẽ, mật thiết, tương hỗ lẫn nhau, nội dung này là cơ sở, tiền đề của các nội dung kia... Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Đề án “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là Đề án rất lớn, có ý nghĩa rất chiến lược, nền tảng, cốt lõi để tiến hành công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, xây dựng tiềm lực cho Công an nhân dân trong 10 năm tới; để xây dựng, hoàn thiện Đề án theo đúng tiến độ đề ra, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các thành viên trong Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị bám sát thực hiện những nội dung theo đúng kế hoạch của Bộ. Các lãnh đạo Bộ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, cho ý kiến với các chuyên đề, Đề án thành phần, các đơn vị được phân công phụ trách. Các Cục trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công đảm bảo chất lượng, tiến độ, đồng thời báo cáo với Thứ trưởng phụ trách cho ý kiến trước khi báo cáo Ban Chỉ đạo. Các đơn vị khẩn trương, hoàn thiện các Đề án thành phần, chuyên đề theo kế hoạch Đề án, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (04/8) đồng loạt đăng tải các nội dung Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: Về kết quả kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo theo Thông báo kết luận số 01-TB/BCĐTW, ngày 19/3/2021 của Thường trực Ban Chỉ đạo; xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến một số vụ án xảy ra tại thành phố Hà Nội: Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định: Thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo các đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn An Huy; khiển trách các đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Nguyễn Văn Tứ. Xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm liên quan 4 vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh: Thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Công ty IPC nhiệm kỳ 2015-2020; Chi bộ Công ty SADECO các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020; Chi bộ Công ty Tân Thuận các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020 và Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020; khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang và các đảng viên được giám sát nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục, sửa chữa những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra. Qua giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng một trường hợp ở tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu xem xét, kết luận, thi hành kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên có liên quan…
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (05/8) đưa tin, UBND tỉnh Bình Định công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định để xem xét, xử lý vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19. Như báo chí đưa tin, những ngày từ 31/7 đến 01/8, ông Nguyễn Văn Dũng cùng Cục phó Cục Thuế Nguyễn Công Thành và hai doanh nhân Lê Văn Thảo, Nguyễn Hữu Lộc đã cùng nhau chơi golf tại sân golf FLC Nhơn Lý, vi phạm quy định giãn cách xã hội, tăng cường phòng chống dịch của tỉnh và thành phố Quy Nhơn. 4 người đều có tiếp xúc gần với công nhân sân golf T.T.Q.- trường hợp dương tính SASR-CoV-2 nên cả nhóm bị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Bình Định tập trung cách ly từ ngày 3 đến ngày 14/8. Trước ông Dũng, ông Nguyễn Công Thành đã bị Tổng cục Thuế ra quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 15 ngày, bắt đầu từ ngày 4/8.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Phụ nữ Việt Nam, Đầu Tư, Sài Gòn giải phóng, Xây Dựng, Hải quan, Biên Phòng, Người lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/8) cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể quyết định áp dụng các biện pháp tương ứng với mức độ nguy cơ cao hơn diễn biến dịch thực tế tại địa bàn tại thời điểm ra quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm trong khung quy định chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trường hợp địa phương thấy cần áp dụng biện pháp khác chưa được quy định thì nhất định phải báo cáo và có ý kiến của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Trường hợp chưa thể quy định cụ thể ngay trong Nghị quyết này thì Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp được quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý chung, thống nhất với các giải pháp cụ thể (cả về nội dung, phạm vi, thẩm quyền và thủ tục áp dụng), đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, đối với tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian có dịch thì cần quy định rõ ngoài việc được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh như Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép, đề nghị vẫn đồng thời phải bảo đảm định mức, tiêu chuẩn, tránh tình trạng mua sắm hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các văn bản để phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và xem xét, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Lao Động, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (02/8) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba đối tượng, gồm: Phạm Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1; Cấn Hồng Lai, nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1; Lê Văn Long, nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông vận tải), Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 đã có hành vi bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp một số tài sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân,VietNamNet, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, Lao Động, Thanh Niên, Thanh tra, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (03/8) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đã ban hành cáo trạng vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ. Cáo trạng truy tố các bị can Phan Văn Anh Vũ, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 về tội "đưa hối lộ", truy tố bị can Hồ Hữu Hòa, quê Nghệ An về tội "môi giới hối lộ". Đồng thời, truy tố bị can Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an về tội "nhận hối lộ". Theo cáo trạng, giữa năm 2017, Vũ bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng và một số địa phương. Phan Văn Anh Vũ thông qua Hồ Hữu Hòa tiếp cận với ông Nguyễn Duy Linh để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin. Đồng thời, Vũ nhờ Hòa chuyển quà và tiền trị giá nhiều tỷ đồng cho ông Linh. Sau khi tiếp cận và nhờ ông Linh "giúp đỡ" trong quá trình bị xử lý, Phan Văn Anh Vũ đã bỏ trốn sang Singapore. Cáo trạng xác định, việc Vũ bỏ trốn xuất phát từ việc Nguyễn Duy Linh thông tin cho biết Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam. Phan Văn Anh Vũ đã chuyển 5 tỷ đồng cho Hồ Hữu Hòa để đưa cho Nguyễn Duy Linh. Cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định được toàn bộ diễn biến sự việc của các hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, VietNamPlus, VnExpress, VietNamNet, Dân trí, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05/8) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 20, đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì phiên họp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 7 vụ án /35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 1 vụ án/7 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 2 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6  vụ án/20 bị cáo. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều  tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng… Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 2 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án, xét xử sơ thẩm 9 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 5 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị các tài liệu Phiên họp rất công phu, nghiêm túc, thận trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải chỉ đạo tất cả các cấp, ngành đồng bộ, không làm thay; phát huy sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị, huy động được sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn cả các đoàn thể quần chúng, Mặt trận và nhân dân. Về sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần xác định rõ nội hàm của công tác phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày báo cáo tại Phiên họp
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày báo cáo tại Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
(Ảnh Thu Huyền)
    Báo Hà Tĩnh, Lao Động, Nhà báo và Công luận, VnExpress (06/8) cho biết, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bửu, nguyên công chức địa chính - môi trường - xây dựng của UBND xã Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên, 10 năm tù vì chiếm đoạt gần 600 triệu đồng. Theo cáo trạng, từ năm 2016-2019, do nhiều người dân xã Cẩm Duệ không nắm rõ trình tự, thủ tục làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tin tưởng Nguyễn Văn Bửu là công chức địa chính nên họ đã đưa tiền để nhờ Bửu nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bửu đã nhận gần 600 triệu đồng của của 4 hộ dân rồi sử dụng chi tiêu cá nhân. Công an huyện Cẩm Xuyên đã khởi tố Bửu về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra, Bửu đã khắc phục toàn bộ số tiền trên. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo này 10 năm tù. Đồng thời, yêu cầu bị cáo phải bồi thường gần 110 triệu đồng phát sinh do chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền đấu giá đất.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (05/8) đưa tin, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 4/8 đã dẫn độ một cựu giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Algeria Sonatrach để đối mặt với phiên xét xử vì cáo buộc liên quan đến các vụ tham nhũng, Truyền hình Nhà nước Algeria đưa tin.Ould Kaddour đã bị bắt giữ ở Dubai (UAE) sau khi một tòa án ở Algiers hồi đầu năm nay ban hành lệnh truy nã quốc tế.Các nhà chức trách Algeria cáo buộc Ould Kaddour có dính líu đến một số vụ tham nhũng liên quan đến các thỏa thuận do Sonatrach ký, bao gồm cả việc mua Nhà máy Lọc dầu Augusta ở Italy từ Exxon Mobil Corp vào năm 2018.Ould Kaddour từng là người đứng đầu Sonatrach từ tháng 3/2017 - 4/2019. Ông thân thiết với cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika - người đã từ chức vào năm 2019 sau 20 năm lãnh đạo đất nước.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng
- Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII
- Truy tố nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Nguyễn Duy Linh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.