Sóc Trăng: Đẩy mạnh cải cách tư pháp từ phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh

Thứ Tư, 14/06/2023, 06:27 [GMT+7]
    Thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 9/2/2023, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/BCĐ về hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh năm 2023. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công 2 phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.
 
Hội đồng xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh
Hội đồng xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh
    Cụ thể là, phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Phan Văn Bình, sinh năm 1964, ngụ ấp Tân Lập, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng về tội "giết người" và "cướp tài sản". Theo cáo trạng, Phan Văn Bình và Trần Thị Lê Hằng, sinh năm 1980, trú cùng ấp Tân Lập, xã Long Phú, sống với nhau như vợ chồng. Trong thời gian chung sống, Bình nghi ngờ Hằng có quan hệ bất chính với người khác nên cả hai thường xuyên mâu thuẫn, cự cãi với nhau. Ngày 25/6/2022, Bình ra tay sát hại Hằng. Sau khi Hằng chết, Bình tháo đồ trang sức trên người của nạn nhân cất giấu. Khi vụ việc bại lộ, Bình đến Công an xã Long Phú đầu thú. Đây là một vụ án có nhiều tình tiết tạo ra nhiều tranh luận giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, để làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát đúng quy định, điều đó đã thể hiện được bản lĩnh và năng lực kiểm sát. Thẩm phán làm tốt việc điều hành phiên tòa, tạo sự bình đẳng, dân chủ trong suốt quá trình xét xử của phiên tòa. Căn cứ kết quả xét hỏi và tranh luận, trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử tuyên 22 năm tù đối với Phan Văn Bình, trong đó 18 năm tội “giết người”, 4 năm tội “cướp tài sản”. Mức án trên nhận được sự đồng tình của những người tham dự và theo dõi phiên tòa.
 
    Phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hành chính “Khiếu kiện hành vi hành chính” tại huyện Long Phú. Trong đơn khởi kiện, bà Phùng Thanh Thuận yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh buộc Ủy ban nhân dân huyện Long Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà theo quy định của pháp luật đối với phần đất thuộc thửa 26, tờ bản đồ số 40, diện tích 2.400m2, tọa lạc tại ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, chứng cứ và tranh luận tại phiên tòa giữa các bên, Hội đồng xét xử tuyên: Bác đơn khởi kiện của Phùng Thanh Thuận về việc yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh buộc UBND huyện Long Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà. Sau khi kết thúc phiên tòa hành chính, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã tiến hành họp và đánh giá toàn diện phiên tòa, nhằm rút kinh nghiệm chung, cũng như làm cơ sở thực hiện tốt hơn công tác giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian tới. Theo đó, có rất nhiều đại biểu góp ý như: kiểm sát viên được phân công đã lập hồ sơ vụ án kiểm sát ngay từ khi thụ lý vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án, phân tích, tổng hợp toàn bộ chứng cứ, tài liệu, đề xuất có căn cứ, chính xác; kiểm sát viên phát biểu ý kiến rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội thẩm nhân dân...
 
    Qua 2 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trên, cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ. Chọn vụ án đưa ra xét xử có nội dung phù hợp để xét xử rút kinh nghiệm, góp phần khắc phục những hạn chế về thủ tục tố tụng và đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Kết quả tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; đại diện Đoàn Luật sư tỉnh; đại diện tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham dự phiên tòa đã thấy được những ưu, khuyết điểm, tồn tại, thiếu sót. Từ đó, nhằm giúp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển phiên tòa của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa và rèn luyện tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ. Đồng thời nêu cao vai trò lãnh đạo của các đơn vị trong công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức phiên tòa nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
                                                                                       Kim Long 
.