Đảng đoàn Quốc hội: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp quý I/2023

Thứ Ba, 09/05/2023, 15:16 [GMT+7]
    Trong quý I/2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã tiến hành họp 03 kỳ bất thường, cho ý kiến, ban hành các chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại các kỳ họp bất thường cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. 
 
    Các nội dung được trình tại kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao và quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, thể hiện được tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của người dân lên trên hết. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí. 
 
Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương
Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương
    Cùng với việc đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và quán triệt các cơ quan của Quốc hội bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 11-KH/TW. Hệ thống pháp luật về một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có lĩnh vực tư pháp tiếp tục được quan tâm hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ để đất nước phát triển và hội nhập. Công tác giám sát tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành giám sát nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là việc theo dõi, thực hiện kết quả "hậu giám sát". Qua đó, đã tác động tích cực tới hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm việc thực thi pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, định hướng cải cách tư pháp.
 
    Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15, ngày 10/02/2023 phân công trách nhiệm đối với các thành viên Đảng đoàn Quốc hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao tại các Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW và Kế hoạch số 12-KH/TW. Bên cạnh đó, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo đề án, văn bản của các ban Đảng có nội dung liên quan tới công tác cải cách tư pháp.
 
    Đảng đoàn Quốc hội phân công Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nghiên cứu, xây dựng các đề án: (1) Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; (2) Đề án tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Đề án đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội; (4) Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; (5) Đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội. Các đề án nêu trên sau khi hoàn thành sẽ góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
                                                                                Hồng Vân
                                                                   (Ban Nội chính Trung ương)
.