Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Thứ Sáu, 21/04/2023, 09:35 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thế nào. Pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nào. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại khi phạm tội thế nào?
 
    Trả lời: Đối với pháp nhân thương mại đã được quy định cụ thể tại Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 
 
    Pháp nhân thương mại bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
    Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, căn cứ Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 27 của Bộ luật hình sự. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
 
Tọa đàm “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự năm 2015” (Ảnh minh họa)
Tọa đàm “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự năm 2015” (Ảnh minh họa)
    Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; Tội đầu cơ; Tội trốn thuế; Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Tội vi phạm quy định về cạnh tranh; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; Tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Tội hủy hoại rừng; Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
 
    Pháp nhân thương mại khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị áp dụng đồng thời hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo đó:
 
    Phạt tiền: Được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50 triệu đồng (quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự).
 
    Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 78).
 
    Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (Điều 79).
 
    Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (Điều 80)…
 
    Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật hình sự; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra. Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra. 
 
    Căn cứ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường (Điều 82).
 
    Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Thanh An
.