Tọa đàm: "Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Thứ Ba, 17/05/2022, 20:56 [GMT+7]
    Ngày 17/5/2022, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tiếp tục tổ chức Tọa đàm về chủ đề “Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Tọa đàm.
     
    Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đặng Văn Dũng, Trợ lý Trưởng Ban; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương và thành viên Ban Biên tập xây dựng Đề án.
 
Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm
    Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về đổi mới quy trình lập pháp; tổ chức, hoạt động của Quốc hội; hoàn thiện pháp luật bầu cử…
 
    Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ: Đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cùng với cải cách hành chính, cải cách tư pháp là những nội dung cơ bản, trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện mới, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Tại Hội thảo quốc gia lần thứ ba về những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phát biểu chỉ đạo: Để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tạo được các đột phá trong ba khâu: Đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; đột phá trong tổ chức quyền lực nhà nước; đột phá trong cải cách tư pháp. Như vậy, xây dựng và hoàn thiện thể chế được định hướng là khâu đột phá đầu tiên của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại Tọa đàm
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại Tọa đàm
    Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ
đạo xây dựng Đề án khẳng định: Nhân dân là chủ thể tối thượng quyền lập hiến và lập pháp. Tuy nhiên, trong thực tế lại chưa thể hiện được một cách đầy đủ quyền này của Nhân dân. Các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại toạ đàm cũng cho rằng, đối với quyền đề xuất, kiến nghị sáng kiến xây dựng Luật của công dân, kiểm soát quyền lực lập pháp của dân vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Cùng với đó, phải nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật. Đối với mục tiêu xây dựng pháp luật, phải đảm bảo công bằng, dân chủ, văn minh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; cần phải có đổi mới quy trình lập pháp và nâng cao tính chủ động của Chính phủ trong xây dựng lập pháp, tăng cường nội dung trưng cầu ý dân, có cơ chế tiếp thu ý kiến của nhân dân trong xây dựng pháp luật.
 
    Đối với hoạt động tổ chức của Quốc hội, các ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện về chất lượng hoạt động của Quốc hội và phải thường xuyên, chuyên nghiệp; tăng số lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách và có cơ chế đánh giá đại biểu Quốc hội. Đối với hoạt động bầu cử, phải đổi mới và cải cách quyền bầu cử của công dân, trong đó có quyền giới thiệu ứng cử và quyền tự ứng cử, quyền lựa chọn và bỏ phiếu; hoạt động hiệp thương, lựa chọn các ứng cử viên phải thực sự dân chủ, đúng thành phần... Đồng chí đề nghị Ban Biên tập Đề án tiếp thu đầy đủ, chắt lọc để bổ sung hoàn thiện Đề án trình Ban Chỉ đạo lần thứ ba. Đây là cuộc tọa đàm chuyên sâu thứ 4 trong kế hoạch tổ chức 6 cuộc tọa đàm của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.  
Đặng Phước
.