Banner

Tọa đàm "Độc lập tư pháp và một số vấn đề cải cách tư pháp"

Thứ Bảy, 14/05/2022, 19:26 [GMT+7]
    Ngày 14/5/2022, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tiếp tục tổ chức Tọa đàm về “Độc lập tư pháp và một số vấn đề cải cách tư pháp”. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Tọa đàm.
 
    Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đặng Văn Dũng, Trợ lý Trưởng Ban; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương và thành viên Ban Biên tập xây dựng Đề án.
 
Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm
    Tại Tọa đàm, các ý kiến đã thảo luận làm rõ nhận thức về nội hàm các thuật ngữ pháp lý, như: Quyền tư pháp; độc lập tư pháp, độc lập trong thực hiện quyền tư pháp; cơ quan tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp, hoạt động tư pháp; vấn đề thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, những cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc thành lập, các mô hình và lộ trình thực hiện; về cải cách tư pháp trong Tòa án và Viện kiểm sát; vấn đề tiếp tục thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; vấn đề tiếp tục thực hiện chủ trương thống nhất đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại Tọa đàm
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại Tọa đàm
    Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của đại biểu dự Tọa đàm. Đồng chí khẳng định, cải cách tư pháp là một vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện từ rất sớm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cả về nhận thức và thực tiễn cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. 
 
    Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, Tòa án là cơ quan tư pháp, các cơ quan khác là tham gia hoạt động tư pháp hoặc tham gia vào quá trình Tòa án thực hiện quyền tư pháp; về vấn đề độc lập tư pháp bao gồm nội hàm rộng nhất là độc lập giữa quyền tư pháp với quyền hành pháp và quyền lập pháp. Xung quanh việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, theo đồng chí Phan Đình Trạc, các ý kiến đại biểu đều thống nhất cao, việc này có thể triển khai trước năm 2030. Đối với việc tổ chức Tòa án để bảo đảm tính độc lập, sẽ tổ chức tòa án theo các cấp sơ thẩm, phúc thẩm không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Đồng chí đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ để bổ sung hoàn thiện Đề án. Đây là cuộc tọa đàm chuyên sâu thứ 2 trong kế hoạch tổ chức 6 cuộc tọa đàm của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.  
Đặng Phước - Anh Hưng
.
.