An Giang: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức rà soát các quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động
Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:33 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh An Giang đã tổ chức rà soát các quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã ký kết 05 quy chế phối hợp với nhau trong các lĩnh vực, như: Công tác thi hành án dân sự; về cung cấp thông tin ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh An Giang; về việc phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang; công tác phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội trên địa bàn tỉnh; phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Liên ngành Tỉnh An Giang ký kết quy chế phối hợp |
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động ký kết với những cơ quan, ngành có liên quan, điển hình như: Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TT-VKS, ngày 29/8/2016 của Thanh tra tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang. Qua hơn 04 năm thực hiện quy chế phối hợp cho thấy có những chuyển biến tích cực, công tác phối, kết hợp giữa ngành Kiểm sát và Thanh tra đã chặt chẽ, thống nhất hơn trước; tình hình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết án hình sự và một số công tác khác có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vụ việc kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật; việc phối hợp giữa các cơ quan được tiến hành chủ động hơn, nhất là đối với những tố giác, tin báo phức tạp, có tính chất nghiêm trọng. Qua đó, đã thực hiện tốt hơn công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo định hướng trong công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh An Giang.
Các cơ quan tư pháp và cơ quan có liên quan đã chủ động xây dựng, ký kết các quy chế với nhau; thông qua đó, cơ bản đã thực hiện đúng nguyên tắc, trách nhiệm và nội dung phối hợp; từng bước hoạt động phối hợp đi vào nền nếp, nhịp nhàng, thể hiện mối quan hệ công tác giữa các cơ quan có sự chuyển biến tích cực và ngày càng gắn kết, chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và các cơ quan, ngành có liên quan; đặc biệt, đã tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan, ngành có liên quan còn một số tồn tại, hạn chế sau: Trong quá trình thực hiện, có một số vấn đề phát sinh khó khăn, vướng mắc, nhưng lãnh đạo các cơ quan có liên quan còn chậm trao đổi, bàn bạc để kịp thời tháo gỡ; còn một số quy chế phối hợp, các cơ quan tư pháp và cơ quan, ngành có liên quan chưa định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác phối hợp và đề ra những biện pháp thực hiện tốt hơn.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên là do có quy chế chưa được quan tâm, phân công đơn vị chủ trì phối hợp; cán bộ được phân công theo dõi do luân chuyển, điều động công tác nên việc kế thừa và sơ, tổng kết chưa kịp thời. Mặt khác, do trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức ở một số cơ quan tư pháp và cơ quan, ngành liên quan còn hạn chế, chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.
Phan Xuân Quí
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ An Giang)