Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ Năm, 15/08/2019, 15:17 [GMT+7]
Triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đóng góp vào thành tích chung đó, hệ thống báo chí cả nước đã tích cực tuyên truyền, phản ánh những hành vi, hiện tượng tiêu cực, góp phần cung cấp thông tin xử lý các vụ việc, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp nối thành công của Giải lần thứ nhất, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã tiếp thêm động lực cho những người làm báo tiếp tục phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí; phản ánh vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân.
Họp báo công bố giải báo chí về phòng, chống tham nhũng |
Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25-6-2018 khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Bên cạnh việc phát hiện, đấu tranh, lên án, các tác phẩm báo chí thời gian qua đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; đi sâu tìm tòi, phản ánh công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; đặc biệt là biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng, thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; thể hiện vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
Mặt trận đã trở thành nơi để người dân có thể phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân… Đây là những tiền đề quan trọng để phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, cũng là động lực để Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cùng vận động, phát huy sức mạnh, tạo sự đồng tình, đồng thuận của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Được phát động từ ngày 02-01-2018 đến ngày 21-6-2019, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai đã nhận được 1.046 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Trong số 60 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo của hơn 100 cơ quan báo chí trong cả nước, Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.
Các tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo có chất lượng khá tốt, nội dung đề tài đa dạng. Tiêu biểu như loạt 3 bài: “Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” (Báo Tuổi trẻ); loạt 4 bài: “Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn” (Báo Kinh tế - Đô thị); loạt 5 bài: “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” (Báo Lao động điện tử); loạt 3 bài: “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (Báo điện tử Bình Dương)…
Với 35 tác phẩm tiêu biểu sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải, những người làm báo trên cả nước đều hy vọng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục duy trì Giải, là nơi nhà báo đưa ra xã hội, công chúng các vấn đề, vụ việc ở nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn tồn tại không ít khuất tất, sai phạm. Những tình trạng này cần được xử lý, giải quyết, từ đó mới hy vọng các vấn đề gây bức xúc trong xã hội sẽ dần được giải quyết, nhường chỗ cho những điều tốt đẹp, những điều mang lại giá trị cốt lõi trong cuộc sống ngày một lan tỏa nhiều hơn, xa hơn.
P.V