Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp và định hướng hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp

Thứ Tư, 14/08/2019, 15:11 [GMT+7]
    Giám định tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế:
 
    Một là, một số văn bản chưa được ban hành để hướng dẫn Luật giám định tư pháp. Luật giám định tư pháp năm 2012 và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ, cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định nhiều vụ việc còn lúng túng; quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài.
 
    Hai là, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định; việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. 
 
    Ba là, cơ chế tài chính hiện hành về chi phí giám định tư pháp, nhất là quy trình, thủ tục thanh toán chưa phù hợp với đặc thù hoạt động giám định, gây ách tắc nhiều vụ việc giám định tư pháp.
 
    Bốn là, hiện nay tổ chức pháp y trong ngành y tế, công an và quân đội, nhất là ở địa phương đều có trung tâm pháp y và giám định viên pháp y làm giám định pháp y tử thi ở phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh nên dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng này.
 
    Năm là, phần lớn giám định viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; các giám định viên kiêm nhiệm có tâm lý e ngại không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý cao, trong khi các điều kiện thực hiện giám định chưa bảo đảm.
 
    Sáu là, về hoạt động giám định: Đa số các cơ quan tố tụng thường tập trung trưng cầu tổ chức giám định công lập, chưa trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực nhà nước; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định; một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, đùn đẩy việc tiếp nhận trưng cầu giám định; điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ... còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không rõ ràng những nội dung được yêu cầu, nhất là kết luận giám định trong trường hợp là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất khiến cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong giải quyết vụ án; có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng...
 
    Để khắc phục một số bất cập nêu trên, chúng tôi đề xuất một số định hướng trong sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp như sau: (1) Bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định. (2) Hoàn thiện quy định về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, theo hướng phân biệt rõ trách nhiệm của Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo khối công và khối tư, Người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc khối công và khối tư (thực hiện theo thỏa thuận); quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc lập và công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để phục vụ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. (3) Quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn tối đa thực hiện giám định, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. (4) Hoàn thiện quy định về “Trưng cầu giám định tư pháp”, theo hướng quy định rõ, chặt chẽ hơn về "nội dung yêu cầu giám định"; xác định rõ ngoài các trường hợp giám định bắt buộc, còn những trường hợp nào, nội dung nào được trưng cầu, trường hợp nào, nội dung nào không được trưng cầu, tránh trường hợp lạm dụng trưng cầu giám định tư pháp, dẫn tới quá tải, chậm trễ, kéo dài; bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định; quy định trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu, cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục những tồn tại hiện nay về giám định tư pháp, nhất là tình trạng lạm dụng giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (5) Quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh quyết toán kinh phí giám định tư pháp tại các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ giám định, nhất là giám định những vụ việc có chi phí lớn, ngoài phát sinh dự kiến theo hướng: Quy định về chi phí giám định sẽ cấp trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động. (6) Quy định cụ thể các trường hợp được quyền từ chối giám định tư pháp; quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện giám định không có lý do chính đáng, chậm trễ, kéo dài, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kết luận giám định không đúng sự thật hoặc không khách quan, có sai lệch do lỗi chủ quan trong kết luận giám định. (7) Quy định cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện giám định tư pháp; quy định cơ quan điều tra trưng cầu giám định có trách nhiệm bảo đảm an toàn, bí mật của giám định viên trong suốt quá trình thực hiện giám định đến khi kết thúc phiên tòa. 
Nguyễn Phương Thảo
(Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương)
.