Phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật
Thứ Năm, 20/02/2020, 15:55 [GMT+7]
Sáng 19/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Báo cáo nghiên cứu, xem xét và kiến nghị, sửa đổi một số quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, kể từ khi được ban hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đã có chuyển biến tích cực, nhiều văn bản được đề xuất ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh những điểm tích cực thì còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định; trong đó, có nội dung quy định liên quan đến sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; quy định về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thật đầy đủ, còn chung chung, chưa quy định cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan hoặc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị trong Luật sửa đổi lần này phải thể hiện Chính phủ chịu trách nhiệm chính về chính sách đề ra trong dự thảo Luật; trong trường hợp chính sách trong dự án Luật qua thẩm tra và dự thảo Luật tại Quốc hội không được các đại biểu đồng tình thì Chính phủ phải giải trình, thuyết phục và bảo vệ chính sách thể hiện trong dự án trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Nếu cuối cùng, Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau; đồng thời đề nghị cần bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch ba bên giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ…
Các đại biểu cơ bản đồng tình với dự án Luật và cho rằng những vấn đề đưa ra sửa đổi đã trúng và đúng những vấn đề mà thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi. Tuy nhiên, đề cập đến hình thức thông tư liên tịch, nhiều ý kiến cho rằng, không nên duy trì hình thức thông tư liên tịch. Các ý kiến cũng đề nghị Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về giám sát văn bản của Mặt trận Tổ quốc để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Đối với những dự án Luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì bắt buộc phải lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua. Cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
P.V