Quốc hội thảo luận dự án Luật đặc xá và Luật chăn nuôi

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:59 [GMT+7]
    Sáng 7-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đặc xá (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
 
    Buổi chiều Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật chăn nuôi và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật chăn nuôi.
 
    Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện gồm 6 chương, 40 điều. Dự thảo đã bổ sung thêm người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vào đối tượng được đề nghị đặc xá; bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một trong các tội: tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), tội gián điệp (Điều 110), tội bạo loạn (Điều 112) và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), một trong các tội quy định tại Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và tội khủng bố (Điều 299) của Bộ luật Hình sự; chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: người đang người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân.
 
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
    Theo chương trình, dự án Luật đặc xá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
 
    Thảo luận về dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với một số quy định cụ thể trong dự án luật, còn đại biểu có ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình tại kỳ họp này đã kế thừa Luật đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Có đại biểu nhất trí với quy định này. Nhưng một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá, có thể là ba năm hoặc 5 năm/đợt; hoặc quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước để thực hiện đặc xá có hiệu quả, minh bạch và thống nhất.
 
    Đại biểu cũng quan tâm về những quy định, chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước đối với những người bị kết án tù được đặc xá, qua đó tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng thành công; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ các điều kiện, chính sách bảo đảm người được đặc xá có thể nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích. Nhà nước cần huy động nhiều nguồn lực xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương.
 
    Để công tác đặc xá được công bằng, chặt chẽ, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các quy định về điều kiện để được đặc xá; trong đó cần phân chia cụ thể, rõ ràng từng đối tượng được đề nghị đặc xá cần bảo đảm những tiêu chuẩn nào. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về tổ chức hoặc chế tài để có thể kiểm tra, thẩm định kết quả đề nghị đặc xá. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc khi dự thảo luật quy định đặc xá cho cả những người đang hưởng án treo. Bởi những người đang thi hành án treo, thực chất là người không phải chấp hành hình phạt tù và buộc phải chịu thời gian thử thách nhất định. Nếu họ thật sự chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có thể xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, chứ không nên đưa vào diện đặc xá… 
 
    Tại phiên họp chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi).
 
    Tại phiên họp thứ 27 (tháng 9-2018), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật và nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho mở rộng phạm vi sửa đổi và chuyển dự án thành Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Theo đó, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 1 chương, 7 mục (52 điều) và bãi bỏ 1 mục (4 điều) so với Luật thi hành án hình sự hiện hành.
 
    Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật chăn nuôi và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
 
    Dự án Luật chăn nuôi được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 7 chương, 82 điều quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Theo chương trình, dự án Luật chăn nuôi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Vũ Khuyên

 

.