Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
Sáng 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội; Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16-8-2017 đến 15-8-2018).
2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội
Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội nêu rõ, từ sau Kỳ họp thứ Năm đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 365 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn Đại biểu Quốc hội và 2.611 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.
Toàn cảnh phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; thành lập các tổ công tác theo dõi, trực tiếp kiểm tra một số bộ, ngành và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại để tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổ chức thành công Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018, tạo nên một ấn tượng Việt Nam với toàn cầu và khu vực; giải quyết nhiều “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội...
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cho ý kiến về Báo cáo, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã tổng hợp tương đối toàn diện ý kiến, kiến nghị của cử tri, đưa ra đề xuất cụ thể. Điểm mới của báo cáo là có thêm phụ lục đánh giá việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của 10 bộ, ngành, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần cân đối giữa mặt tốt, mặt hạn chế của các bộ ngành, địa phương. Nếu chỉ nêu hạn chế thì không rõ vấn đề.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận 60 kiến nghị (13 kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; 47 kiến nghị liên quan đến các hoạt động giám sát). Đối với kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, toàn bộ các kiến nghị đã được các cơ quan của Quốc hội trả lời, cung cấp thông tin, giải đáp cho cử tri. Với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội đã xác định rất rõ nguyên tắc đối với việc đưa các dự án luật vào Chương trình cần phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc và khả năng của mỗi cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng xây dựng luật; việc xây dựng luật được thực hiện theo hướng quy định cụ thể, hạn chế tối đa việc xây dựng luật khung, và các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết...
Về hoạt động động giám sát, các kiến nghị này đã được các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội trả lời, giải trình cho cử tri, trong đó nêu rõ: Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, ngày càng đảm bảo tính hiệu quả và thực chất hơn; Quốc hội đã quan tâm giám sát đối với những vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều, xã hội đặc biệt quan tâm như: Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này (năm 2013) và hàng năm, Quốc hội tiến hành giám sát thông qua việc xem xét, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết kiếu nại, tố cáo; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…
Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận 2.004 kiến nghị, nội dung các kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nội dung các kiến nghị này đã được xem xét, giải quyết, trả lời đạt 100%, hầu hết các kiến nghị đều được trả lời ở dạng giải trình hoặc cung cấp thông tin về nội dung của các văn bản pháp luật chiếm 79,79%; số các kiến nghị được xem xét giải quyết đạt 5,14%; còn lại 302 kiến nghị đang tiếp tục được nghiên cứu để giải quyết chiếm 15,07%.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri còn nhiều hạn chế, trả lời chung chung gắn với cung cấp thông tin, trả lời chậm, trả lời cho xong. Số lượng kiến nghị đang trong quá trình xem xét, giải quyết còn nhiều, tồn đọng nhiều kiến nghị qua nhiều năm tập trung ở một số cơ quan, đơn vị. Vì vậy, Báo cáo cần bổ sung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc trả lời không đúng kiến nghị của cử tri, đánh giá chất lượng trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân qua việc phản hồi ý kiến của chính cử tri, nhân dân.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Theo Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16-8-2017 đến 15-8-2018), trong kỳ báo cáo, số lượt công dân đến địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng 49,55% số lượt và tổng số đơn, thư gửi đến Quốc hội tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, đông người có xu hướng gia tăng, nhất là tại kỳ họp thứ Năm khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật.
Nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo được Quốc hội tiếp tục quan tâm; các cơ quan đã xử lý nhiều đơn và chuyển nhiều đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong quá trình xử lý đơn thư, một số Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã vận dụng cách làm sáng tạo như: Tham gia các cuộc làm việc, đối thoại với công dân do UBND tỉnh chủ trì , để nắm bắt nội dung các vụ việc khiếu nại, tố cáo và theo dõi việc giải quyết; khi nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài, bức xúc đã chủ động làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết hoặc cử công chức Văn phòng đi khảo sát thực tế xác minh, thu thập thông tin để có thêm căn cứ chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết...
Tán thành với nội dung nêu trong Báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Báo cáo cần rà soát, đánh giá kỹ thêm chất lượng công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bổ sung làm rõ thêm các vấ nđề như nông nghiệp, nông dân, nông thôn, an ninh trật tự, chất lượng đường cao tốc, xử lý hình sự đối với một số tội phạm…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc ngày 22-10.
Vũ Khuyên
(VOV)