Nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ Ba, 09/10/2018, 14:27 [GMT+7]
Ngày 8-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Hiện nay, phản biện xã hội trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, tại hội thảo, việc tìm giải pháp tháo gỡ để nâng cao chất lượng phản biện xã hội là vấn đề được đặt ra. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề lý luận về phản biện xã hội; làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phản biện xã hội; thực trạng, ưu điểm, hạn chế và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Quang cảnh Hội thảo |
Góp ý tại Hội thảo, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, phản biện xã hội là một vấn đề lớn và mới. Thời gian qua chúng ta làm còn lúng túng và hình thức. Bởi thế, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để làm sâu sắc hơn chức năng phản biện xã hội của Mặt trận đã được Hiến pháp quy định. GS Trần Ngọc Đường cho rằng, định nghĩa phải bổ sung nội dung phản biện xã hội là phương thức kiểm soát các văn bản của Đảng và Nhà nước trước khi thi hành, văn bản đó thể hiện ý nguyện của dân, được dân đồng tình sẽ hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, tính chất của phản biện xã hội mang tính nhân dân và xã hội rất sâu sắc và rộng lớn, do đó, khi phản biện đòi hỏi phải đảm bảo được yếu tố này. Phản biện phải phản ánh được ý kiến nhiều chiều, nhiều tầng lớp. Cùng với đó, phản biện xã hội phải mang tính dân chủ, khoa học. Phản biện xã hội được xem như một sự tác động của xã hội đối với các văn bản, phản ánh dư luận xã hội rộng lớn. Kể cả cơ quan có văn bản đưa ra cũng phải nhận thức được điều đó.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Đỗ Duy Thường dẫn chứng, hiện còn lẫn lộn giữa khái niệm góp ý kiến và phản biện. Do đó, phải làm rõ vấn đề này. Về hình thức, cần phải công khai hoạt động phản biện của Mặt trận. Về thực hành các bước, nhất là công tác chuẩn bị nội dung là hết sức quan trọng.
TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh vai trò của cơ chế tiếp thu, phản hồi và ảnh hưởng tới hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có cơ chế tiếp thu sẽ làm nản lòng người tham gia phản biện xã hội. “Sẽ không có phản biện xã hội bền vững nếu không có tiếp thu và phản hồi lại phản biện xã hội hoặc phản biện xã hội sẽ sớm bị thui chột nếu các ý kiến phản biện xã hội đưa ra bị “rơi vào im lặng”, người phản biện xã hội rơi và tình trạng như võ sĩ “đấm không khí”. Việc tiếp thu và phản hồi nếu thiếu đi tính nghiêm túc hay mang tính hình thức, đối phó cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội và làm xói mòn nhiệt huyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện - yếu tố rất cần thiết nuôi dưỡng cho phản biện xã hội. Vì vậy, cơ chế tiếp thu, phản hồi cùng với ý thức thực hiện nó của chủ thể tiếp nhận phản biện là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội” - TS Nguyễn Quang Minh nói.
Từ quan điểm đó, TS Nguyễn Quang Minh đề xuất Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì phản biện xã hội cần đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, để thực hiện được phản biện xã hội thì người tham gia phản biện phải có bản lĩnh, chuyên môn. Do đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần xây dựng lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ phản biện là những người thực sự có kiến thức trên các lĩnh vực, có kinh nghiệm công tác. Mặt trận cần có các biện pháp nâng cao trình độ cho cán bộ Mặt trận các cấp, đồng thời tập trung xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân và có đủ năng lực phản biện.
Các đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố trong phản biện xã hội phải lựa chọn nội dung nhân dân đang bức xúc, các cấp và cả xã hội đang quan tâm để giám sát, phản biện. Phải soạn thảo tài liệu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở từng cấp theo nội dung giám sát từng năm. Thực hiện tốt quy trình giám sát, phản biện xã hội từ khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện đến kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát, phản biện….
Mạnh Quang