Cựu bộ trưởng Anh kêu gọi ủng hộ thành lập tòa án chống tham nhũng quốc tế
Chủ Nhật, 14/05/2023, 07:39 [GMT+7]
Theo Lord Hain, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chính phủ Vương quốc Anh nên ủng hộ việc thành lập một tòa án chống tham nhũng quốc tế để truy tố các nhà lãnh đạo tham nhũng của các quốc gia không muốn hoặc không thể thực thi luật chống tham nhũng của chính họ.
The Guardian cho biết, với sự ủng hộ của các bên liên quan, ông Hain sẽ đưa ra đề xuất về việc, đã đến lúc nước Anh cần nỗ lực thúc đẩy động lực toàn cầu ngày càng tăng cho một tòa án chống tham nhũng quốc tế, tương tự như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Haye, Hà Lan.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Lord Hain cho biết, tham nhũng quốc tế ước tính tiêu tốn 5% GDP toàn cầu. Ảnh: Jack Hill/The Times/PA |
Ông Hain, người đi đầu trong việc vạch trần cáo buộc tham nhũng của anh em nhà Gupta ở Nam Phi, đang đề xuất sửa đổi dự luật tội phạm kinh tế hiện có ở Thượng viện (Lords), yêu cầu Chính phủ Vương quốc Anh ủng hộ việc thành lập tòa án.
Cựu Bộ trưởng Hain nói với The Guardian rằng, tham nhũng quốc tế ước tính tiêu tốn 5% GDP toàn cầu, với tác động tồi tệ nhất ở các nước đang phát triển.
Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu có trụ sở tại Washington phát hiện, từ năm 2004 đến 2013, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã mất 7,8 nghìn tỷ USD trong các dòng tài chính bất hợp pháp. Những dòng vốn chảy ra như vậy đã tăng với tốc độ trung bình 6,5% một năm - nhanh gần gấp đôi so với GDP toàn cầu.
Hain lập luận rằng, chế độ chính trị tham nhũng kleptocracy - tham nhũng giữa các nhà lãnh đạo thế giới - phát triển mạnh không phải do thiếu luật trong nước vững chắc, mà do các quốc gia thiếu sức mạnh thể chế, bao gồm cả các cơ quan tư pháp độc lập, để truy tố những kẻ phạm tội.
Ông chỉ ra rằng, có 181 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), nhưng việc thực thi công ước trong nước vẫn còn là một vấn đề.
Hain cho biết, một tòa án chống tham nhũng quốc tế (IACC) có thể hoạt động như một cơ chế để yêu cầu các khoản tiền phải được trả lại cho các quốc gia.
Nó sẽ có quyền tài phán đối với các tội do công dân của bất kỳ quốc gia thành viên IACC nào gây ra và các tội xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên IACC. Nó sẽ thực thi luật chống tham nhũng quốc gia hiện hành, bao gồm bằng cách tiếp cận tiền đã được gửi ra nước ngoài đến một quốc gia đã ký kết hiệp ước IACC.
Ông Hain khẳng định ý tưởng này không phải là một giấc mơ viển vông và đã được các thẩm phán hàng đầu ở Mỹ và châu Âu cũng như các thành viên của Nghị viện châu Âu ủng hộ.
Trước đó, trong cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao của 3 quốc gia Hà Lan, Canada và Ecuador tại La Haye hồi cuối năm ngoái, đại diện các nước đã bày tỏ ủng hộ việc thành lập một tòa án chống tham nhũng toàn cầu.
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho rằng, một tòa án chung sẽ là công cụ hỗ trợ cộng đồng quốc tế thực thi luật chống tham nhũng hiện hành.
Thẩm phán Mỹ Mark Wolf - người đứng đầu chiến dịch trên, cũng như những người ủng hộ chiến dịch, thừa nhận, chặng đường biến ý tưởng về một tòa án như vậy thành hiện thực còn dài và nhiều khả năng phải đối mặt với những thách thức tương tự đối với ICC - tòa án được thành lập năm 2002 để xét xử các các nhân bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Trong cuộc tranh luận hôm 9/5, vấn đề không được đưa ra biểu quyết, nhưng ông Hain có thể trở lại trong các giai đoạn tiếp theo của dự luật để đề nghị Chính phủ Vương quốc Anh bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này, theo The Guardian.
Ngọc Anh
(Theo thanhtra.com.vn)