Kết quả xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc; quy định, quy trình công tác; phân công nhiệm vụ và kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh

Thứ Hai, 26/06/2023, 08:32 [GMT+7]
    Sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã khẩn trương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC của địa phương. Đến tháng 08/2022, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Nhiều địa phương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo ngay sau khi có chủ trương của Trung ương (tháng 5/2022), như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Giang… Hầu hết các địa phương bố trí nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo gồm 15 đồng chí, đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần theo Quy định số 67-QĐ/TW. Một số địa phương do đặc thù công tác cán bộ nên bố trí số lượng thành viên tham gia Ban Chỉ đạo khác với thành phần quy định, gồm: Đồng Nai (16 thành viên, bổ sung thêm đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh); Cần Thơ (16 thành viên, bổ sung thêm 01 đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ); Thành phố Hồ Chí Minh (bố trí đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo); Bến Tre (bố trí đồng chí Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm thành viên Ban Chỉ đạo, do đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy); Bình Dương (14 thành viên, trong đó không có đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy).
 
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (ảnh Đặng Phước)
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (ảnh Đặng Phước)
    Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo PCTN, TC các tỉnh, thành phố đã khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, chương trình công tác, xây dựng các quy định, quy trình công tác để phục vụ triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đến tháng 11/2022, 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình công tác; đến nay Ban Chỉ đạo nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định, quy trình công tác. Cụ thể là:
 
    Về Quy chế làm việc và Chương trình công tác
 
    Trên cơ sở cụ thể hóa Quy định số 67-QĐ/TW và tham khảo, vận dụng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương), nội dung các Quy chế làm việc đã xác định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và quy định cụ thể về chế độ làm việc, chế độ báo cáo, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 
 
    Mặc dù thành lập vào nửa cuối năm 2022, nhưng Ban Chỉ đạo các tỉnh đều khẩn trương xây dựng Chương trình công tác năm 2022 và Chương trình công tác năm 2023 để xác định những công việc cần triển khai thực hiện. Trong đó, Chương trình công tác năm 2022 chủ yếu tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên; chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, như: Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về “Một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Phiên họp thứ 22 và Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. 
 
    Chương trình công tác năm 2023 tập trung vào các nhiệm vụ tổ chức quán triệt, học tập cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực (như: công tác giám định, định giá tài sản; thu hồi tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng…).
 
    Về phân công nhiệm vụ và kiện toàn Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
 
    Trên cơ sở chức danh, vị trí công tác và lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm, Ban Chỉ đạo đã quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên theo hướng vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa bàn, lĩnh vực của địa phương, vừa tạo điều kiện để các thành viên chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thành viên Ban Chỉ đạo một số địa phương đã phân công 01 đơn vị trực thuộc hoặc cán bộ giúp việc của cơ quan làm đầu mối tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Căn cứ chương trình công tác của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ được phân công, ở nhiều địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch công tác để triển khai thực hiện.
 
     Ban Thường vụ một số tỉnh ủy, thành ủy đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có sự thay đổi vị trí công tác của thành viên Ban Chỉ đạo để bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định, gồm: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Bạc Liêu, Bếm Tre, Ninh Bình, Phú Thọ…
 
    Việc xây dựng, ban hành các quy định, quy trình công tác
 
    Để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng và ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn về một số mặt công tác để triển khai thực hiện thống nhất, như: Quy định về công tác kiểm tra, giám sát; Quy định về tiếp nhận, quản lý và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực; Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và việc xác lập danh mục các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; Quy định về công tác chỉ đạo, phối hợp đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng. Tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Quy trình xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định chế độ thông tin báo cáo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đề cương hướng dẫn báo cáo cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc, các huyện, thành ủy, thị ủy và các cơ quan tổ chức có liên quan; Quy chế về xử lý đơn, thư gửi đến Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 
                                                                               Thăng Quyết
.