Chống tham nhũng để đất nước giàu mạnh, cán bộ xứng đáng với niềm tin của Nhân dân
Thứ Hai, 26/06/2023, 08:28 [GMT+7]
Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, là “căn bệnh” của Nhà nước. Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, hiện diện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, không phụ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển.
Ở nước ta, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt chăm lo, chỉ đạo mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Chấn chỉnh nhận thức sai lệch, cực đoan, hoài nghi
Nếu như nhiệm kỳ Đại hội XI, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền chỉ xử lý 11 cán bộ diện Trung ương quản lý, không có trường hợp nào là Ủy viên Trung ương Đảng; thì nhiệm kỳ Đại hội XII đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý, “điểm mặt, chỉ tên” cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực |
Từ sau Đại hội XIII, dù đất nước đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, công cuộc “chống giặc nội xâm”, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị không “chùn xuống” mà ngày càng đạt nhiều kết quả to lớn, có hiệu quả rõ rệt và toàn diện.
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Với tinh thần “tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã được khởi tố, mở rộng điều tra, như vụ Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, TP…
Ngay tại địa phương, chỉ trong 1 năm, sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, giám đốc sở, bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện, như: Hà Nội, TP HCM, Phú Yên, Khánh Hoà, Thanh Hoá...
Có thể thấy, nếu trước đây, tham nhũng thường được hiểu là những hành vi tư lợi bất chính về kinh tế, thì hiện nay, các hành vi tham nhũng được nhận diện mở rộng và đào sâu hơn, gồm cả tham nhũng về quyền lực, về cơ chế, chính sách… Chống tham nhũng lớn, rồi chống tham nhũng “vặt”; từ chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước, giờ chống tham nhũng cả khu vực tư và quyết liệt chống tham nhũng ngay trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.
Ấy vậy, gần đây, có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo; làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; làm doanh nghiệp FDI “bỏ” Việt Nam, doanh nhân sợ bị xử hình sự; làm “chậm” sự phát triển đất nước.
Đây là cách nghĩ sai lệch, cực đoan, chiêu trò của các thế lực thù địch nhằm tạo “hoài nghi” về tính đúng đắn của chủ trương, chính sách lãnh đạo, cũng như phủ nhận quyết tâm, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” người không trong sáng
Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ví như “đầu tàu”, khi bị xử lý, thay thế, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cả “đoàn tàu”. Những dao động, xáo trộn về tâm lý, tình cảm... trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu để những tâm tư diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, làm nảy sinh tư tưởng bi quan, bất mãn, có phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng… là điều không thể chấp nhận.
Thực tiễn cho thấy, nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Việt Nam luôn “trong ấm, ngoài êm”, không ngừng ổn định, phát triển, tạo thế và lực của đất nước trên trường quốc tế.
Minh chứng là, năm 2021, khi thế giới “chao đảo” bởi đại dịch COVID -19, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm thì Việt Nam đạt tăng trưởng 2,56%. Sang năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2023, nền kinh tế chịu tác động “kép”, vừa phải chống chịu sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, tăng trưởng GDP trong quý I chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ. Nhưng các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,5% năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,3% năm 2023 và 6,5% vào năm 2024. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,9% năm sau, nằm trong nhóm dẫn đầu châu Á.
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án “đắp chiếu”, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
“Sức khỏe” doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực, khi tính chung 5 tháng của năm nay, có khoảng 95 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường.
Đặc biệt, những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từng là “điểm nóng” về tham nhũng, tiêu cực, sau khi được phát hiện, xử lý nghiêm minh, loại bỏ “sâu mọt”, đã từng bước xốc lại đội hình để tiếp tục phát triển.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở thực hành nghiêm túc tinh thần hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Ngay trong nội bộ mỗi tổ chức Đảng đã nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm.
Dẫn chứng để thấy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã chót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
Cuộc chiến còn lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt
Tất nhiên, đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm. Khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đến mức tới hạn, sau thời gian dài của dịch COVID-19 nên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng…
Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Ở nhiều nơi, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác...
Hạn chế, yếu kém trên đã được Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ ra và đề ra rất nhiều giải pháp để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ, cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt.
Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà cả ở khu vực ngoài Nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các “nhóm lợi ích”, không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của Nhân dân.
Tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh ngày 19/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi “Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”.
Hương Giang
(Báo Thanh tra)