Banner

Hà Tĩnh: Kết quả công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

Thứ Tư, 08/12/2021, 09:16 [GMT+7]
    1. Trong giai đoạn từ 6/2012 đến tháng 3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 74 văn bản cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
 
    Cụ thể là: Ngày 29/9/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo; ngày 05/3/2019, ban hành Quy định số 890-QĐi/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 827-QĐ/TU, ngày 17/12/2018 về việc lấy phiếu đánh giá, nhận xét đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại nơi cư trú và một số văn bản khác nhằm phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên….
 
Thành phố Hà Tĩnh
Thành phố Hà Tĩnh
   Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế làm việc, cơ chế, chính sách về quản lý quản lý kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 32 văn bản gợi ý kiểm điểm đối với 25 lượt tập thể cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, sở, ban, ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

    - UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, kịp thời các quy định. Theo báo cáo, từ ngày 30/6/2016 đến 31/3/2021, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh đã tham gia góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh trực tiếp quy định hoặc có lồng ghép nội dung liên quan đến phòng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn minh, văn hóa công sở, như: Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện tính minh bạch và tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020 và các quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh liên quan đến các cơ chế, chính sách…


    2. Trong giai đoạn từ 30/6/2016-31/3/2021, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự tham gia của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, do đó, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản và có hiệu quả thiết thực thể hiện ở những điểm sau đây:

    - Ý thức tự giác trong rèn luyện, giữ gìn tư cách, đạo đức, tính gương mẫu của người cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tinh thần trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên được nâng lên, việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, của địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng đổi mới. Hầu hết cán bộ, đảng viên đã có sự chủ động tự giác rèn luyện tác phong, lề lối làm việc khoa học, nề nếp, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. 

    - Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kỷ luật đối với những những trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang được cấp ủy các cấp quan tâm. Cấp ủy các cấp đã: (1) Triển khai giám sát chuyên đề đối với 4.220 đảng viên (trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy giám sát 34 đảng viên). Qua giám sát, đã phát hiện 136 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm 08 đảng viên; (2) Triển khai kiểm tra 4.474 đảng viên (trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra 40 đảng viên). Qua kiểm tra, kết luận 318 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 62 đảng viên (đã thi hành kỷ luật 58 đảng viên vi phạm). (3) Giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng 02 đảng viên. Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 02 đảng viên.

    Ủy ban Kiểm tra các cấp đã:  (1) Giám sát chuyên đề 2.875 đảng viên (trong đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát 26 đảng viên). Qua giám sát chuyên đề, phát hiện 206 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 43 đảng viên. (2) Kiểm tra 779 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (trong đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 84 đảng viên). Qua kiểm tra, kết luận 590 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 38 đảng viên (đã thi hành kỷ luật 32 đảng viên). (3) Giải quyết
khiếu nại kỷ luật Đảng 05 đảng viên; giải quyết tố cáo 187 đảng viên. Ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở kiểm tra 695 đảng viên, trong đó có 305 cấp ủy viên các cấp. 

    Giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng 05 trường hợp, kết luận thay đổi hình thức kỷ luật 04, giảm hình thức kỷ luật 03, xóa bỏ hình thức kỷ luật 01. Giải quyết tố cáo 187 đảng viên, đã kết luận 185 đảng viên (không có cơ sở 67; tố sai 29; tố đúng và đúng một phần 89, đúng có vi phạm 66); qua giải quyết tố cáo đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật 22 đảng viên, đã thi hành kỷ luật 21 đảng viên.

    Ngoài ra, Thanh tra các cấp đã thực hiện 642 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Mặc dù công tác phòng, chống tiệu cực, tham nhũng, lãng phí tại Hà Tĩnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tiêu cực, tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tuy nhiên, trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và một số lĩnh vực khác (chấp hành về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; công tác cán bộ, lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, định mức kinh tế kỹ thuật, tài nguyên, khoáng sản, kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý báo chí, giải quyết khiếu nại, tố cáo...) còn xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội.

    Ngoài ra, vẫn còn một số biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại địa phương, cụ thể là: 

    - Phần lớn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại địa phương chưa có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên thực hiện chưa nghiêm túc việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số ít cán bộ, đảng viên làm việc hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tâm huyết để làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; trong tự phê bình và phê bình còn thiếu thẳng thắn, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, vận dụng chính sách của Đảng, Nhà nước có lúc còn tùy tiện, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, trình độ lý luận còn hạn chế nên không đủ năng lực giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những vấn đề khó, mới. 

    Một số đồng chí có biểu hiện băn khoăn, lo lắng, dao động, giảm sút ý chí trước những thông tin, dư luận về tiêu cực, suy thoái trong Đảng; cá biệt có cán bộ phát ngôn thiếu chuẩn xác, sử dụng mạng xã hội thiếu trách nhiệm. 

    - Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu gương mẫu trong việc chấp hành các nguyên tắc, chế độ công tác; thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm, gây thất thoát, lãng phí tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản...

    - Những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật tuy đã được cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm túc nhưng đã làm ảnh hưởng đến gia đình, cơ quan và xã hội. Mặt khác, các biểu hiệu tiêu cực này dễ bị các thế lực bất mãn, thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước. 

    3. Một số nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới: 

    Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và định hướng thông tin về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên mà trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong  phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. 

    Hai là, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn của tỉnh, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, sơ hở; kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiêu cực, tham nhũng nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. 

    Ba là, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng chống tiêu cực, tham nhũng và thi hành kỷ luật Đảng. Khắc phục tình trạng nghị quyết đúng, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không thiếu nhưng thực hiện không nghiêm, không hiệu quả. 

    Bốn là, tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát vào những nơi tiềm ẩn phức tạp, có nhiều dư luận trái chiều, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Nâng cao phẩm chất, năng lực và kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra và PCTN. 

    Năm là, phát huy đầy đủ vai trò giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Có các giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích và kịp thời xử lý thông tin do người dân, báo chí phát hiện, phản ánh, tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Bùi Thị Như Ngọc
(Học viện Báo chí và tuyên truyền)
.
.