Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Đồng bộ và quyết liệt
Thứ Năm, 02/01/2020, 19:01 [GMT+7]
Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên lâu nay, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, để lại dấu ấn sâu sắc và được đông đảo nhân dân tin tưởng, ủng hộ như những năm gần đây. Sự kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” quyết liệt, kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, thể hiện tầm nhìn mới của Đảng đối với nhiệm vụ then chốt này. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.
Nghiêm minh mà nhân văn
Năm Kỷ Hợi - 2019 khép lại, đất nước đầy ắp niềm vui, hoàn thành và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đối với công tác xây dựng Đảng, có thể nói đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất. Lâu nay, nói về nhiệm vụ quan trọng này, nhiều ý kiến chỉ chú ý đến kỷ luật, xử lý cán bộ vi phạm mà ít quan tâm việc đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được thực hiện như thế nào. Trước thực trạng hiện nay, việc xử lý cán bộ vi phạm không thể không làm, song đi liền với đó là các chủ trương, nghị quyết của Trung ương được triển khai đồng bộ để tạo môi trường tốt nhất cho cán bộ cống hiến nhiều hơn cho đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” (Hồ Chí Minh toàn tập, T 5, trg 269). Có vừa vun trồng, vừa “bắt sâu, tỉa cành” cây cối mới khỏe mạnh, xanh tốt.
Hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị |
Không khỏi đau xót, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông báo tại Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 80 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật. Trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị, nhiều ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, 22 tướng lĩnh,... Chưa bao giờ có một con số “kỷ lục” đến như thế. Song, đây cũng là điều mừng, bởi quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định qua từng vụ việc cụ thể; làm rõ trách nhiệm của cán bộ, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm.
Những ngày cuối năm này, dư luận đang theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), vì các tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Bắc Son, lúc phạm tội là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì mục đích cá nhân mà chỉ đạo quyết liệt cấp dưới làm trái quy định; ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Mobifone phải tổ chức thực hiện, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG, làm thiệt hại hơn 6.475 tỷ đồng. Quá trình xét xử, bị cáo nhiều lần thay đổi lời khai, rồi cuối cùng cũng phải nhận tội. Pháp luật Việt Nam rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, dành thời gian cho bị cáo gặp, bàn với gia đình để bàn việc khắc phục hậu quả, trả lại số tiền nhận hối lộ là ba triệu USD. Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Nguyễn Bắc Son xin nhận mọi trách nhiệm của mình là người đứng đầu gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đến Đảng, Nhà nước, nhân dân và cán bộ, công chức ngành thông tin truyền thông về những việc bị cáo làm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến Nhà nước niềm tin đối với Đảng. Đây quả là bài học vô cùng đắt giá không chỉ với bị cáo Nguyễn Bắc Son mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai lợi dụng chức vụ quyền hạn vì mục đích cá nhân mà bất chấp pháp luật.
Ðối với Trương Minh Tuấn, khi xảy ra vụ án, bị cáo là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Dù biết thực hiện dự án mua bán này bắt buộc phải tuân theo quy trình, quy định nhưng bị động, bắt buộc phải thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trước tòa, bị cáo mới thấy rõ hơn các góc khuất của vụ án mà khi đương chức không nhận ra, thừa nhận sai lầm của mình, gửi lời xin lỗi nhân dân, Đảng, Nhà nước và cho rằng, “Phiên tòa này rồi sẽ kết thúc, nhưng tòa án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi mãi mãi. Đó là điều đau khổ nhất mà tôi mang theo cho đến khi chấm dứt cuộc đời mình".
Không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ
Điểm lại một số kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt vi phạm của cán bộ, đảng viên được kết luận làm rõ và xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền. Vì thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trực tiếp ký một số quyết định cho thuê đất, giao rừng, bồi thường rừng không đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật khiển trách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng bị cảnh cáo cũng vì trực tiếp ký một số quyết định giao, cho thuê đất, giao, cho thuê rừng và chỉ đạo việc bồi thường rừng không đúng quy định. Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều sai phạm trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, trong quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ và chiến sĩ bị xử lý hình sự. Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, bị các cấp có thẩm quyền cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; cách chức Giám đốc Công an tỉnh. Một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo công an tỉnh bị thi hành kỷ luật bằng các hình thức nghiêm khắc. Để xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng bị xử lý hình sự; thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng, đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân bị cách một số chức vụ về Đảng; xóa tư cách các chức danh nêu trên; bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú. Ở Bộ Giao thông vận tải, không chỉ Đinh La Thăng đã bị khai trừ Đảng đang chấp hành phạt tù, các thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và một số cán bộ liên quan ở các đơn vị khác cùng chịu trách nhiệm để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ và nhận các hình thức kỷ luật thỏa đáng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính thuế,… gây hậu quả rất nghiêm trọng. Dù có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, nhưng đang mắc bệnh hiểm nghèo, đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chưa bị xem xét, xử lý kỷ luật; được Bộ Chính trị cho thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy để chữa bệnh. Nhiều cán bộ đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều phải nhận những hình thức kỷ luật nghiêm minh.
Tại phiên họp ngày 18-11-2019, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên; Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco); Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ. Bổ sung hai vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Dự án đường cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi.
Vi phạm xảy ra ở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng bị xử lý; cán bộ nào vi phạm cũng bị xử lý nghiêm minh; nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, sĩ quan trong các lực lượng vũ trang, cán bộ giáo viên trong ngành giáo dục, y tế, doanh nghiệp,… đã được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội.
Tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ráo riết nhiều năm nay và thực tế đã làm đúng như vậy. Phát biểu tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 18-11-2019, đồng chí nhấn mạnh: cần tiếp tục đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Tuyệt đối không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức chạy quyền,…
Tạo môi trường cho cán bộ cống hiến
Nếu nói chưa bao giờ có nhiều cán bộ bị kỷ luật thì cũng cần khẳng định là chưa bao giờ công tác cán bộ được quan tâm sâu sắc như những năm gần đây. Cùng với việc đề cao trách nhiệm nêu gương, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ được thực hiện khá đồng bộ và toàn diện trên tất cả các mặt. Không phải ngẫu nhiên, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đồng thời ban hành hai nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương. Đó là những khâu quan trọng trong công tác cán bộ; vừa là yêu cầu đối với cấp ủy các cấp, là trách nhiệm đối với cán bộ, vừa là môi trường thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ đất nước. Có nhìn nhận vấn đề như vậy mới thấy rõ tầm nhìn, tư tưởng chỉ đạo, bản chất và tính ưu việt của Đảng. Trước hết đó là đầu tư, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, khuyến khích mọi người đem tài năng cống hiến cho đất nước. Người có đức có tài sẽ được đãi ngộ, được trọng dụng, đồng thời ai vi phạm, làm trái, mượn chức quyền để vụ lợi cá nhân sẽ phải xử lý nghiêm minh, đó cũng là bản chất ưu việt là sự bình đẳng trước pháp luật đối với mọi người.
Vừa quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trung ương xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Chưa bao giờ, chúng ta có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn đông và được đào tạo cơ bản như hiện nay; hầu hết cán bộ từ cấp xã trở lên đã được chuẩn hóa theo quy định. Đi liền với đó, nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm thực hiện chủ trương trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Vừa tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương, vừa bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Xây đi liền với chống, xây bài bản, chống quyết liệt là cách làm đồng bộ và quyết liệt mang lại kết quả toàn diện cho nhiệm vụ xây dựng Đảng mấy năm qua.
Văn Bắc
(Báo Nhân Dân)