Banner

Điểm báo tuần số 423 từ ngày 07/6 đến ngày 13/6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 14/06/2021, 14:57 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07/6) phản ánh các nội dung buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về dự thảo Đề án "Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân (TAND) tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới" là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình cải cách tư pháp mới 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ban hành năm 2005. Theo đó, sẽ có hai giai đoạn, từ nay đến năm 2022 tập trung cải cách nội bộ, sơ bộ, thí điểm. Sau năm 2022, tiến hành xác định lại địa vị pháp lý, hoạt động, nội dung, tố tụng. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND tối cao. Theo đó, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm bốn cấp là tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và TAND tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Chủ tịch nước cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất mới mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện dự thảo đề án. Đi liền với đó là khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua về tổ chức, hoạt động của bộ máy TAND, góp phần xây dựng một nền tư pháp "trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Qua đó, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, cần bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong sử dụng kinh phí với mục tiêu cao nhất là hiệu quả hoạt động của tòa án các cấp và tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/6) cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép gia tăng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vừa có Văn bản 2131/BĐBP-TM gửi các đơn vị trong Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh tuyến biên giới tiếp tục siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, kênh, rạch trên tuyến biên giới đất liền. Theo Bộ Tư lệnh BĐBP, việc nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới đất liền có dấu hiệu tăng trở lại. Riêng tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia từ ngày 27/5 đến 03/6 tăng gấp 3,5 lần so với tuần trước đó. Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu các đơn vị tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở trên biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn triệt để tình trạng nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào Việt Nam, vào cơ quan, đơn vị và cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại các tổ, chốt; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tố giác những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch... Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng trong công tác phòng, chống dịch. Cấp trưởng, chính ủy (chính trị viên) phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền vi phạm pháp luật, kỷ luật, buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên biên giới, cửa khẩu, địa bàn, đơn vị... Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tập thể cấp ủy, chỉ huy và cá nhân sai phạm.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (09/6) đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan về Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc chuẩn bị Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Chủ tịch nước đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương đã làm việc khẩn trương, tích cực, trách nhiệm để chuẩn bị kế hoạch, danh mục các tài liệu phục vụ Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Chủ tịch nước cho rằng cần xác định phạm vi, mốc thời gian của Đề án; rà soát tên của Chiến lược theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Khi được hoàn thiện và triển khai, Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, do đó, phải thể hiện được quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; việc xây dựng các nội dung của Đề án phải có phương pháp tiếp cận đảm bảo khoa học, có tầm nhìn xa đến 2045, đổi mới và phù hợp với xu hướng phát triển dựa trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống tình hình trong nước và quốc tế. Chủ tịch nước cũng lưu ý việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong Đề án; khẳng định quan điểm Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự giám sát của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền phải tiếp tục được quán triệt, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục bổ sung các chuyên đề cần thiết, phù hợp vào dự thảo Đề án.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Kiểm Toán, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, TTXVN (10/6) đưa tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 889/QĐ-TTg, ngày 07/6/2021 ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Theo danh mục, có 16 văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, 12 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành và 4 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu căn cứ danh mục, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã có trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 và các năm tiếp theo.
 
    Báo VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, VnExpress (09/6) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Cao Văn Dũng, quê xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng, từ tháng 02/2019, thông qua tài khoản Facebook “Dung Cao Van”, Cao Văn Dũng đã làm, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết và video có nội dung xâm phạm đến chế độ chính trị, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; uy hiếp đến sự ổn định của chính quyền nhân dân, gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, Dũng còn tham gia nhóm kín trên mạng xã hội Facebook "Hội anh em yêu dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam" với tư cách là thành viên sáng lập. Tại diễn đàn này, Dũng đã chia sẻ các video có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo Đảng... Bên cạnh đó, bị cáo Dũng còn tham gia biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Cao Văn Dũng 9 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công lý, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ, VietNamPlus, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/6) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức kỳ họp lần thứ 20. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Các thành viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tập trung thảo luận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm của các cá nhân, tập thể bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, kỷ luật của quân đội. Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật của Đảng đối với 12 quân nhân. Trong đó đề nghị kỷ luật về Đảng: Cảnh cáo 2, cách chức 2; kỷ luật quân đội: Tước quân hàm sĩ quan 1, cách chức 3 và tước danh hiệu quân nhân 4. Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường biểu dương và đánh giá cao công tác tham mưu, chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã chủ động kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, kịp thời đề xuất các tập thể và cá nhân vi phạm kỷ luật bảo đảm thấu tình đạt lý, đúng người, đúng lỗi phạm và không có vùng cấm. Quá trình xem xét, kỷ luật luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc biệt giữ nghiêm nguyên tắc, quy định. Đại tướng Lương Cường đề nghị thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại, góp phần giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản, Lao Động, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/6) cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua nghị quyết công bố kết quả và danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV với 100% thành viên có mặt tán thành. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày 23/5 vừa qua đã thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội non sông và ngày hội lớn của toàn dân. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã triển khai công tác bầu cử nghiêm túc, bài bản, trách nhiệm, linh hoạt, kịp thời, sáng tạo, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ họp phiên thứ 8 dự kiến ngày 12/7 tới để xem xét kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có); đồng thời xem xét thông qua Nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, làm thủ tục cấp thẻ đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến khai mạc ngày 20/7). Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tập trung tích cực thực hiện ngay nhiệm vụ này, phối hợp với Tiểu ban Nhân sự để giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp tục thẩm tra tư cách đại biểu. Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét theo quy định của pháp luật, tại phiên họp thứ 6, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của một người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do không bảo đảm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với một trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Dương.
    
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Thanh Niên, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (12/6) đưa tin, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Các tham luận tại Hội nghị đã phản ánh những cách làm hay có sức lan tỏa lớn trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của các anh Bộ đội Cụ Hồ; là xây dựng bản lĩnh người chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; là học và làm theo Bác, lan tỏa tinh thần nhân ái “thương người như thể thương thân” của một hội viên hội nông dân, thuộc tỉnh Thái Nguyên; là học Bác từ những điều bình dị nhất của cán bộ, công nhân Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; là tấm gương sáng về hiếu học, suốt mười năm cõng bạn đi học của một học sinh ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa… Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, sơ kết năm 5 thực hiện Chỉ thị số 05 là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa. Sau khi phân tích sâu sắc thêm nội dung về tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí nhấn mạnh ba nội dung, là học tập Bác, làm theo Bác và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đồng chí tin rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực hiện quả, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước,...
 
    Báo Người Lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Đài TNVN (13/6)  đưa tin, Phó Bí thư Chi bộ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã sử dụng thẻ Đảng viên của bản thân và của vợ đem cầm cố, thế chấp vay 40 triệu đồng, tạo dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An công bố quyết định thi hành kỷ luật đảng với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Đạo, đảng viên Chi bộ Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị; nguyên Huyện ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mộc Hóa nhiệm kỳ 2015-2020. Việc thi hành kỷ luật ông Đạo là vì ông thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Ngoài ra, ông Đạo còn sử dụng thẻ đảng viên của bản thân và của vợ đem cầm cố, thế chấp vay 40 triệu đồng, tạo dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết trước đây, ông Đạo đã có sai phạm bị kỷ luật cảnh cáo và nay tiếp tục sai phạm dẫn đến phải khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/6) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Lê Mộng Điệp, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa, về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Theo thông tin ban đầu, 3 bị can này bị khởi tố do có liên quan đến sai phạm trong việc cho thực hiện các dự án trên núi Chín Khúc, thuộc địa bàn TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và Cam Lâm; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương…
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (08/6) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên xử phạt các bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gậy hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP Phan Thiết (nay là Trung tâm Y tế TP Phan Thiết). Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Hiển, phạm tội “Tham ô tài sản”, xử phạt 20 năm tù giam. 05 bị cáo bị tuyên phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; trong đó xử phạt bị cáo Trần Thị Thu Thảo 3 năm 6 tháng tù; hai bị cáo Nguyễn Trung Hà, nguyên Giám đốc; Ngô Giang Vũ, nguyên Phó Giám đốc bị xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Quang Thời, nguyên Giám đốc bị xử phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo và bị cáo Nguyễn Thị Bích Anh, nguyên Phó Giám đốc bị xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân,Tiền Phong, Dân trí, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Lao Động, VietNamNet , Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (10/6) cho biết, ngày 02/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị nêu rõ “Thời gian qua, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng từng bước được hoàn thiện; tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự các cấp được củng cố, kiện toàn; quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả hơn; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được nâng lên…, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp... Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt 06 nhiệm vụ, giải pháp. Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Thanh Niên, Tuổi trẻ,Tiền phong, VnExpress, Dân trí, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (11/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Vinalines MMS và các đơn vị liên quan. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Quang Ngữ, nguyên Giám đốc Vinalines MMS; Phạm Thế Tài, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính kế toán Vinalines MMS; Nguyễn Thị Tươi, nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng văn phòng Hà Nội thuộc Vinalines MMS. Quá trình điều tra bước đầu xác định, từ tháng 10/2014 đến tháng 7/2017, các đối tượng trên đã có hành vi ký hợp đồng giao khoán, thu phí dịch vụ của thực tập sinh đi lao động tại Nhật Bản vượt quy định của Nhà nước; hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán chi phí mua vé máy bay cho thực tập sinh và chuyển tiền phí dịch vụ thu của thực tập sinh vào tài khoản cá nhân, không nộp đủ về quỹ công ty sai quy định gây thiệt hại cho Vinalines MMS. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương làm rõ hành vi sai phạm của các bị can, thu hồi tài sản của Nhà nước và tiến hành điều tra, mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh tra (10/6) dẫn nguồn tin từ Global New Light của Myanmar cho biết, các vụ án tham nhũng mới đã được mở ra đối với nhà lãnh đạo bị phế truất của Myanmar Aung San Suu Kyi và các cựu quan chức khác trong Chính phủ của bà; đây là các vụ án mới nhất trong loạt hành động chống lại bà Suu Kyi - người đã bị lực lượng quân đội lật đổ vào ngày 1/2. Tờ báo nhà nước Myanmar dẫn lời Ủy ban Chống tham nhũng nước này cho biết, những cáo buộc liên quan đến việc sử dụng đất sai mục đích cho Quỹ Từ thiện Daw Khin Kyi do bà làm Chủ tịch, cũng như cáo buộc nhận tiền và vàng trước đó.Các hồ sơ vụ án chống lại bà Suu Kyi và một số quan chức khác đã được mở tại các đồn cảnh sát ở Thủ đô Naypyidaw vào hôm 9/6. Các vụ việc mà bà Suu Kyi phải đối mặt bao gồm: Từ việc sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm, đến vi phạm Đạo luật Bí mật chính thức. Trong khi đó, những người ủng hộ bà nói rằng, các vụ việc có động cơ chính trị. Lực lượng quân đội lật đổ bà Suu Kyi nói rằng, đảng của bà đã gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử và các giám sát quốc tế đã bác bỏ cáo buộc này. Dù vậy, quân đội vẫn tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử lại. Hiện, quân đội vẫn chưa thiết lập được quyền kiểm soát và phải đối mặt với các cuộc biểu tình hàng ngày, các cuộc đình công khiến nền kinh tế bị tê liệt...
 
    Báo Thanh tra (11/6)  đưa tin, ông Ibrahim Mohamed Solih, Tổng thống Maldives đã đình chỉ công tác Bộ trưởng Thanh niên Ahmed Mahloof trong bối cảnh một vụ kiện chống lại ông về các cáo buộc tham nhũng. Trước đó, ngày 9/6, Ủy ban Chống Tham nhũng Maldives (ACC) đã chuyển hồ sơ vụ việc về sự liên quan của Bộ trưởng Mahloof với bê bối tham nhũng của Tập đoàn Tiếp thị và Quan hệ Công chúng Maldives (MMPRC) tới Văn phòng Tổng Công tố (PGO). Người Phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Mabrook Azeez cho biết, Mahloof bị đình chỉ công tác cho đến khi PGO có quyết định tiếp tục vụ việc này như thế nào. Theo ACC, cuộc điều tra với sự phối hợp của lực lượng cảnh sát và Ủy ban Thu hồi tài sản đã phát hiện Mahloof hưởng lợi từ số tiền có được thông qua các cách thức bất hợp pháp. Ông đã thu về 33.000 USD để đổi lấy việc giữ nguyên vị trí với Đảng Cấp tiến Maldives (PPM) và cho sự hợp tác trong cuộc bỏ phiếu liên quan đến Dự luật Đặc khu Kinh tế (SEZ) khi còn là thành viên Majilis (Hạ viện), ACC cho biết.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao
    - Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức kỳ họp lần thứ 20
    - Hội đồng Bầu cử quốc gia thông qua nghị quyết công bố kết quả và danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị
    - Khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.
.