Banner

Hòa Bình: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ban hành chương trình công tác năm 2023

Thứ Năm, 16/02/2023, 06:28 [GMT+7]
     Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Hoà Bình vừa ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2023. 
 
    Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách tư pháp; ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 08-CV/TU ngày 27/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tham gia góp ý vào các dự thảo chương trình, dự án luật khi được yêu cầu.
 
Hội nghị tổng kết trực tuyến ngành Nội chính Đảng năm 2022 điểm cầu tỉnh Hòa Bình
Hội nghị tổng kết trực tuyến ngành Nội chính Đảng năm 2022 điểm cầu tỉnh Hòa Bình
    Các cơ quan tư pháp tỉnh (Tòa án, công an, viện kiểm sát, cục thi hành án dân sự): Tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Nâng cao hiệu quả thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách tư pháp. Duy trì chế độ giao ban liên ngành tố tụng hai cấp của tỉnh để kịp thời đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự trong thực hiện nhiệm vụ; xác định án điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng pháp luật, tăng cường tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe ý kiến, phản ánh của Nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”, khiếu kiện đông người trong lĩnh vực tư pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. 
 
    Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, các bản án tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; chú trọng công tác hoà giải, đối thoại theo Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án và trong giải quyết các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tăng cường xét xử lưu động góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhân dân. Thực hiện nghiêm công tác thi hành án hình sự; tăng cường năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ công an các xã, phường, thị trấn, bảo đảm việc quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, tước một số quyền công dân. Quản lý chặt chẽ người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. 
 
    Thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác các vụ việc có đủ điều kiện thi hành và các vụ việc chưa có đủ điều kiện thi hành; nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành. Theo dõi thi hành án đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính có nội dung theo dõi; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu kiện phức tạp trên địa bàn tỉnh.
 
    Tiếp tục đổi mới, sắp xếp kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
   
    Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, các tổ chức hành nghề luật sư. Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập. Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thừa phát lại bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các hoạt động cải cách tư pháp, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao trình độ dân trí pháp lý, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho Nhân dân. 
 
    Đảng đoàn HĐND tỉnh; Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức thành viên trong thực hiện có hiệu quả công tác giám sát đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, chú trọng những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật.
 
    Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chỉ đạo hoặc tham mưu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình phụ trách xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và thường xuyên theo dõi nắm tình hình, tổ chức làm việc, đôn đốc công tác cải cách tư pháp đối với các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách; chủ động báo cáo kết quả, đề xuất với Thường trực Ban Chỉ đạo các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, hằng quý gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo theo quy định.
 
    Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình; giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện với Tỉnh ủy, Ban Nội chính Trung ương và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
            Duy Viễn
                                                                (Ban Nội chính Tỉnh ủy Hoà Bình)
.
.