Vĩnh Phúc: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp tháng 4/2022

Thứ Sáu, 27/05/2022, 09:40 [GMT+7]
    Trong tháng 4/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là các văn bản Trung ương mới ban hành. 
 
    Ngành Tư pháp tiếp tục công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm hiệu quả, chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của các cơ quan liên quan và quy định của pháp luật; tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến vào 25 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh; tham gia ý kiến vào 17 lượt dự thảo văn bản hành chính cá biệt và tư vấn giải quyết một số vụ việc trên địa bàn tỉnh và 13 lượt dự thảo văn bản hành chính khác. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2022; nghiên cứu hồ sơ, tư vấn giải quyết 07 vụ việc phức tạp theo đề nghị của các sở, ngành, UBND cấp huyện về lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư… 
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
    Tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở năm 2022; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng Tọa đàm về “Phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới”; 04 chuyên mục “Giới thiệu văn bản, hỏi đáp pháp luật”; phối hợp với Báo Vĩnh Phúc đăng tải tin, bài, giới thiệu 04 văn bản mới và hỏi đáp pháp luật về những quy định mới; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trên Bản tin Tuyên giáo để phổ biến, giáo dục pháp luật về các quy định mới có hiệu lực năm 2022.
 
    Các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện được củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, nhất là đối với cán bộ có chức danh tư pháp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp.
 
    Ngành Công an tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh”; ban hành Quy chế phối hợp số 204/QCPH-CAT-STT&TT giữa Công an tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch vận động giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
 
    Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia góp ý dự thảo hướng dẫn công tác quy hoạch ngành Kiểm sát nhân dân; triển khai việc thi tuyển chức danh kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp theo kế hoạch của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thực hiện quy trình, thủ tục điều động, bổ nhiệm 01 đồng chí Trưởng phòng và bổ nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; bổ nhiệm lại chức danh kiểm sát viên sơ cấp đối với 10 đồng chí; tăng cường kiểm tra có hiệu quả công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua kiểm tra, đã ban hành 01 kiến nghị, 01 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ; 08 kết luận, 02 kiến nghị đối với cơ quan thi hành án hình sự. Công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, kiểm sát cưỡng chế, kê biên, đấu giá, giao tài sản, tiêu hủy vật chứng… bảo đảm đúng quy định.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp đã đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án và hầu hết các loại án đều được giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật. Việc tổ chức thi hành án dân sự bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn theo quy định và nội dung của bản án, quyết định của tòa án; việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án bảo đảm chính xác, đúng pháp luật.
 
    Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; duy trì, chấn chỉnh việc thông báo đấu giá trên Trang Thông tin điện tử về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp; cấp giấy đăng ký hoạt động cho 01 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản tại thành phố Vĩnh Yên; tiếp tục trình UBND tỉnh ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh”; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Vĩnh Phúc xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch kiểm tra về tổ chức và hoạt động tại một số văn phòng công chức. Công tác bổ trợ tư pháp được quan tâm, các hoạt động bổ trợ tư pháp góp phần tích cực cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuệ Minh
.