Thái Nguyên: Đẩy mạnh công tác tư pháp và cải cách tư pháp

Thứ Tư, 20/04/2022, 06:25 [GMT+7]
    Trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022; Quyết định kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải các tư pháp đối với 04 đơn vị cấp huyện, gồm: Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sông Công, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Bình; thành lập đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sông Công và Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên.
 
Liên ngành các cơ quan tư pháp tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 (tháng 01/2022)
Liên ngành các cơ quan tư pháp tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 (tháng 01/2022)
    Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2022; kết hoạch theo dõi tình hành thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022; kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022… Thẩm định 05 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh và UBND tỉnh; tham gia ý kiến xây dựng 30 văn bản của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu qủa, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid - 19; công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
 
    Các cơ quan tư pháp của tỉnh tích cực tham gia ý kiến xây dựng văn bản pháp luật về lĩnh vực tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành; chủ động  xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cải cách tư pháp năm 2022 và phối hợp xây dựng chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Liên ngành các cơ quan tố tụng tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban liên ngành quý IV/2021 và tổng kết công tác phối hợp năm 2021, định hướng công tác phối hợp năm 2022; xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”.
 
    Lực lượng Công an triển khai các phương án, kế hoạch chủ động nắm tình hình, tăng cường quản lý địa bàn; tập trung thực hiện đợt cao điểm tấn công và trấn áp tội phạm; bảo đảm an toàn tuyệt đối các mục tiêu, các sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chủ động phối hợp với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; tăng cường kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, vụ án; ban hành kế hoạch xây dựng Chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Tòa án nhân dân hai cấp chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp để xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án theo quy định của pháp luật. Cục Thi hành án dân sự tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, đôn đốc xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022; chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác thi hành án dân sự, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên, đấu giá, cưỡng chế thi hành án.
 
    Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp thường xuyên được quan tâm kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm bổ nhiệm lại các chức vụ quản lý và chức danh tư pháp bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành và địa phương
 
    Các hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Trung tâm trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng 54 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 01 vụ việc. Các phòng công chứng thực hiện 2.673 việc. Các văn phòng thừa phát lại đã lập 120 vi bằng. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh thực hiện bán đấu giá thành 25 cuộc đấu giá, với tổng số tiền hơn 177 tỷ 610 triệu đồng.
 
    Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát thường xuyên theo luật định đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thi hành pháp luật, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ phối hợp hoặc thực hiện giám sát các nội dung phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ.
Tuệ Minh
.