Banner

Thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật tố tụng Hình sự

Thứ Tư, 21/10/2020, 14:18 [GMT+7]
    Tòa án nhân dân tối cao tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng cho Thẩm phán về “Thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán trong việc thi hành Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật tố tụng Hình sự”.
 
    Chương trình tập huấn nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam do Liên Minh Châu Âu tài trợ; chương trình hướng đến những điểm mới của Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 và ý nghĩa của những điểm mới này đối với việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
 
    Các bộ luật này đặt ra một số quy định mới quan trọng và liên quan trực tiếp đến Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, mở rộng phạm vi chứng cứ được chấp nhận trong hoạt động tố tụng, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo.
 
Quang cảnh Lớp tập huấn
Quang cảnh Lớp tập huấn
    Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề cao vai trò của người thẩm phán trong việc thực hiện quyền tư pháp của nhà nước Việt Nam. Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp; trọng trách của thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của thẩm phán rất cao quý. Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, ngày 4/7/2018 Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
 
    Xét xử là công việc rất khó khăn, vất vả, rủi ro, nguy hiểm và nhiều cám dỗ,  bởi đó là quá trình đi tìm sự thật đã được che giấu một cách tinh vi và trong nhiều trường hợp rất chuyên nghiệp; nếu không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực, thẩm phán sẽ không thể hoàn thành được trọng trách của mình; hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người”, do đó đòi hỏi thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, tôn trọng con người.
 
    Phán quyết của Tòa án nhân dân thể hiện quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
 
    Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử này đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của thẩm phán nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán là kim chỉ nam chi phối các hành vi ứng xử của thẩm phán trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày.
 
    Ngoài ra, chất lượng xét xử của đội ngũ thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án. Bởi vậy, sự ra đời của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử thẩm phán là một chuẩn mực mà tất cả các thẩm phán trong hệ thống Tòa án Việt Nam phải tuân thủ. Bộ Quy tắc này đã quy định rõ ràng và cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi thẩm phán không được làm hoặc phải tránh để đảm bảo sự liêm chính của thẩm phán; là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
 
    Chương trình tập huấn kỹ năng cho thẩm phán về “Thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán trong việc thi hành Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật tố tụng Hình sự không chỉ là diễn đàn để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn là dịp để các thẩm phán trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết về cách giải quyết những tình huống khó xử liên quan đến đạo đức, tập trung vào các yêu cầu mà thẩm phán cần chú ý khi xét xử các vụ án hình sự.
                                                                                         P.V
.
.