Ninh Bình: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020
Thứ Hai, 07/09/2020, 20:03 [GMT+7]
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp; kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; trong đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2015-2020 làm việc hàng năm của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp thực hiện đúng quy định của Đảng.
Cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan tư pháp trong tỉnh đã hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020; làm tốt công tác luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ có chức danh tư pháp; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ tư pháp và có chức danh tư pháp về chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phẩn chất đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Do vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp ở hai cấp của tỉnh Ninh Bình đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp cả về số lượng và chất lượng.
Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch giám sát việc thụ lý, giải quyết, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án dân sự có kháng cáo, kháng nghị đối với Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Ninh Bình, giai đoạn từ 01/01/2017 đến ngày 30/06/2018 |
Các cơ quan tố tụng hai cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, bắt, tạm giam, tạm giữ đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc lạm dụng quyền để bắt, giữ oan. Các quyết định của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân đều có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, không để lọt tội phạm và không xảy ra oan sai.
Hằng năm, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc lập hồ sơ đề nghị thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đảm bảo chính xác, đúng quy định pháp luật; chủ động xây dựng và tổ chức triển khai chương trình phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cho cả ba ngành ở cả hai cấp.
Kết quả thi hành án dân sự trong những năm qua đều đạt tỷ lệ cao, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tổng thụ lý 22.608 vụ với số tiền trên 1.407,6 tỷ đồng; đã giải quyết xong 19.835 việc với số tiền 799,9 tỷ đồng.
Sở Tư pháp tỉnh làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản; chất lượng tham gia ý kiến thẩm định, kểm tra văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên và đặc biệt là tính khả thi của văn bản; tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thành lập tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất; quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý…
Hội Luật gia tỉnh đã tham gia có hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật; đã tham gia ý kiến vào 166 dự thảo văn bản của Chính phủ và các cơ quan chức năng ở Trung ương; 355 dự thảo văn bản của HĐND và UBND tỉnh. Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình hoạt động tích cực và có hiệu quả trên các mặt công tác; tham gia tranh tụng tại phiên tòa hình sự 190 vụ án, dân sự 124 vụ án, vụ việc, hành chính 14 vụ việc; chất lượng tranh tụng của các luật sư tại các phiên tòa được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đội ngũ luật sư trong tỉnh hầu hết đều có kinh nghiệm lâu năm trong các cơ quan tiến hành tố tụng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp; tích cực tham gia tố tụng tất cả các loại án khi có yêu cầu; làm tốt việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho công dân, cơ quan và các tổ chức.
Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giám sát đối với các cơ quan tư pháp thông qua báo cáo kết quả công tác của các cơ quan tư pháp trước kỳ họp HĐND các cấp; giám sát chuyên đề đối với một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư pháp.
Hội đồng nhân dân hai cấp tham gia hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền; thực hiện tốt chức năng giám sát việc xét xử các vụ án trọng điểm, các vụ án xét xử lưu động; phối hợp giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hình sự, bổ trợ tư pháp; giám sát thông qua việc tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp, xem xét báo cáo tại các kỳ họp của HĐND; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn với các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp HĐND; trong đó, tập trung vào những vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành mà đại biểu HĐND và dư luận xã hội quan tâm, nhất là việc sửa án, hủy án.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, chức năng giám sát của mình đối với các cơ quan tư pháp thông qua tin báo, tố giác của quần chúng nhân dân, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan tư pháp và cán bộ các cơ quan tư pháp. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp; cung cấp thông tin đối với các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong tỉnh.
Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020 đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, duy trì, ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Lòng tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự điều hành của Nhà nước được nâng lên.
Tuệ Minh